Ngày 19 tháng 8
Cafe Tourane vào ngày thứ 49. Những người còn sống đi cafe để nhắc đến người vừa khuất, thất tuần. Người đã khuất mặt vẫn hiện hữu trong tâm trí người sống, sự ngăn cách chỉ là một chuyến đi. Một nhà thơ rất thân với tôi đã nói cách hồn nhiên: bốn chín ngày là có visa rồi, có visa là đi được rồi. Câu này khiến tôi thấy nhẹ lòng, vì đi là tốt. Đi trong ý nghĩ, đi trong văn học, đi trong dòng chảy của biến hóa. Nghĩ tới nhà văn Nguyễn Mộng Giác – mà tôi vẫn gọi là chú Giác – là nghĩ tới chuyện “đi”. Những cái viết của ông nằm trong chuyển động của việc đi, đi như thác của Sông Côn Mùa Lũ, đi như dời chuyển của Mùa Biển Động, đi không quay lại của Đường Một Chiều… Với một nhà văn, viết là không thể dừng, sự dừng lại mang ý nghĩa của tự hủy.
Một bạn văn rất thân khác tiếp nối câu chuyện visa: vậy là sẽ ăn cháo lú rồi. Câu này đánh mạnh vào tim tôi hơn, thảng thốt hơn, chấn động hơn. Lại một mệnh đề khác của siêu hình mà những người có mặt chỉ lặng lẽ gật đầu, trong giả dụ rằng dù có hộ chiếu mà muốn được đi, thì phải quên hết đã. Nhưng mà đi và quên, hai thứ này nhất thiết phải đồng hành với nhau sao?
Vào thăm chú Giác ở nursing home trong những ngày cuối, cô Diệu Chi đã cẩn thận nhắc nhở tôi, tránh không nói đến chuyện văn chương nữa, để cái ngã lặng yên.
Nên một phần tôi muốn chú Giác quên, để mà đi, đi bình yên. Một phần khác tôi muốn chú Giác nhớ, để tìm đến, trong đời sau. Quên vừa đủ để đừng luyến tiếc. Nhưng trong cái quên còn tiềm ẩn cái nhớ, mà cái nhớ của một nghiệp văn không sao mất được, nó dai dẳng, nó không ngừng, nó phải tiếp nối không thôi. Một lúc nào đó cái nhớ sẽ tỉnh dậy từ ký ức của nhiều tiền kiếp. Và cái nhớ sẽ đi tiếp con đường của nó.
Ngày 1 tháng 7
Người ta mang chú Giác về nhà.
Căn phòng để trút hơi thở cuối cùng nằm cuối lối đi, phía cánh trái của ngôi nhà. Một cửa sổ nhỏ nhìn ra khu vườn đang vào hồi rực rỡ của mùa hè. Cũng chính căn phòng này bao nhiêu lần tôi vào thăm chú sau khi nằm viện, sau những phẫu thuật. Chú Giác đang nằm đó, trên giường của bệnh viện chuyển tới. Nhiều người trong nhà, sự náo động bất thường. Đi mua các vật dụng với cô Chi, để chuẩn bị. Chú kêu đau. Những người con gái cho thêm thuốc giảm đau vào máu. Mắt nhắm. Chú không thấy tôi. Những ngón tay huơ lên từ chăn. Giọng nói độc chỉ một người có.
Cái chết đi từ dưới chân lên. Sự hủy hoại màu tím bầm. Cô Chi dặn những người con trai, con gái về nghỉ sớm để dưỡng sức, mình còn đi đường dài. Những đứa cháu chạy chơi quanh phòng khách. Người cảm nhận cái chết nặng nề nhất là người vợ, sự sống bị hút dần ra, sự cạn kiệt sắp đến gần, những ý tưởng bi thảm, tuyệt cùng. Nói như khóc.
Lúc đó tôi chưa kịp nghĩ đây ngày chủ nhật cuối của một đời người.
Ngày 18 tháng 8
Đi nhiều lần, vòng quanh những con đường vắng vào một buổi chiều tàn. Không đi một mình. Đi và trò chuyện với chú Giác trong ý nghĩ. Tôi cần nghĩ, mọi nơi, mọi lúc, mọi trạng thái, và mọi hành động để tránh cảm giác mình đang chết dần trong óc. Chú Giác chắc cũng vậy, đi vào thời gian, đi vào cõi chết bằng cách nghĩ, trong những ngày nằm trên giường bệnh. Nhà văn viết để đẩy ý nghĩ đi tới. Nghĩ là một cách đi nhanh.
Tự hỏi giờ này, sau khi lìa thân xác, chú Giác đã nghiệm ra những gì, đã chuẩn bị gì cho ngày mai. Ngày thứ 49. Một chuyến đi thật. Đầy đủ hộ chiếu. Exit ra khỏi trí nhớ của chính mình.
Và tôi nhớ lại câu chuyện exit trên freeway trong lần gặp đầu tiên với người chủ biên duy nhất của tôi.
Năm 1995, trong buổi ra mắt cuốn “Những Con Chuột Thời Thơ Ấu” của nhà văn Hoàng Khởi Phong. Lúc ấy trong giới văn chương tôi chỉ biết chú Hoàng Khởi Phong, người bạn của bố tôi. Lúc đó Mùa Xuân Trắng đã đăng trên Văn Học mấy tháng mà tôi không hay. Chú Hoàng Khởi Phong tìm tôi, nói anh Giác muốn gặp thơ-thơ, chú đưa truyện của cháu cho anh Giác, anh Giác đăng mà không biết điện thoại của cháu. Một khởi đầu của nghiệp văn như thế, bất chợt, tưởng chỉ là viết và chia xẻ với một người bạn. Chú nhắc lại, thơ-thơ nhớ đến chiều nay, anh Giác muốn gặp thơ-thơ lắm.
Chú Giác đến ngồi cạnh tôi buổi chủ nhật hôm đó. Cuộc gặp gỡ “nhẹ nhàng” và “dễ thở” hơn tôi hình dung. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ bút Văn Học, xuất hiện như một người thầy kín đáo dấu sự uyên bác bằng vẻ ngoài khiêm tốn, hiền hòa, bình dị. Ấn tượng đầu tiên đó không thay đổi trong suốt những năm tháng sau này. Nói chuyện với chú Giác, tôi luôn có một chỗ riêng để thở, để tự tại, tìm được mình trong câu chuyện của người đối thoại. Chú Giác nói đùa vui, tinh tế. Một vị diễn giả hôm ấy có tài nói lâu hơn khả năng ghi nhận của thính giả. Nhiều lần tưởng là sắp xong định vỗ tay thì vị ấy lại nói sang mục khác, cứ thế, cứ thế. Chú Giác và tôi thỉnh thoảng lại nhìn nhau cười. Tôi để ý thấy chú Giác có cái cười rất nhẹ, nhưng mang sức hàm chứa cao, độ nén nhiều. Tôi thấy mắt chú có ánh nghịch ngợm tinh quái. Chú nói, “Người này thật ra đang kể chuyện lái xe freeway mà không tìm ra exit.”
Tháng 4 năm 2012
Những giấc mơ thi thoảng về chú Giác đã đẩy tôi đến.
Thăm cô chú trong ngôi nhà Văn Học. Chúng tôi ngồi trong phòng khách, trước lò sưởi. Chú Giác lại đi đứng khỏe mạnh như thường. Phòng hơi tối. Đang nói chuyện thì cô Chi có điện thoại. Nhìn lại thì thấy chú Giác đã chuyển sang bàn làm việc trong góc đối diện tủ sách. Sự chuyển động rất nhanh trong một chớp mắt như phim ảnh. Chú mặc quần áo chỉnh tề, áo sơ mi trắng tinh, đang cúi xuống thắt dây giày. Tôi trong tư thế chuẩn bị giúp đỡ nếu cần. Ở bên phải ống quần tây của chú chợt hiện ra những vết vàng thẫm. Những vết loang ra thành đốm. Những đốm vàng càng lúc càng dày lên. Một thứ chất vàng xẫm xền xệt. Những mủn gan đang thấm xuyên qua kẽ vải, tôi chợt nghĩ. Tôi tìm một cái khăn giấy Cleenex mỏng đưa chú thấm. Không đủ. Càng thấm càng đùn ra vải nhiều hơn. Tôi nhìn lên. Định kêu cô Chi. Thấy trên mặt chú Giác những mủn vàng xệt trào ra lên từ sống mũi. Tôi không mở miệng nổi. Tôi vốn sợ những chất lỏng nằm sâu trong cơ thể.
Tôi còn giữ lá thư chú gửi năm 1995 qua đường bưu điện đến địa chỉ nhà tôi ở Artesia.
Thời kỳ 1997-2002, viết xong cái gì là mang đến ngay.
Lúc đó tôi đã về Westminster, đi bộ đến nhà chú chỉ độ mười phút. Ngồi nói chuyện với cô Chi, chú Giác. Có khi nói cùng lúc, nghe cùng lúc hai đề tài khác nhau từ hai người. Có khi ở lại ăn cơm với cô chú, cười vang, có cả Cookie. Lúc mới đến nhà “ông bà Giác”, Cookie còn bé lắm, còn đứng trên ghế sofa, vừa ba tuổi rưỡi, đã biết nhận xét, bún bò bà Giác là ngon nhất, con biết ăn cay, cá kho ngon nhất, con ăn cá kho mỗi ngày được…
Điều này thuộc về một thế kỷ trước. Khi phòng khách của tòa soạn Văn Học mỗi cuối năm đầy đủ thân hữu đón tất niên. Không khí ấy, ánh sáng ấy, âm thanh ấy, chỉ cần nhớ tới là như đang sống lại. Khi ấy chủ bút Văn Học còn mạnh khỏe.
Năm 2010
Tôi đứng trong một căn phòng tối của City of Hope. Chú Giác ngồi trên giường. Sắp sửa bước vào một phẫu thuật mới. Hy vọng. Hy vọng. Bác sĩ thọc một cái ống plastic mềm vào bụng bệnh nhân, dán băng keo thật chắc. Một bác sĩ khác chích thuốc tê cho tôi. Ông ta kéo máy hút lại gần, đút ống thủy tinh vào lỗ rốn của tôi. Y tá nối ống thủy tinh vào ống plastic. Một dòng nước vàng đục chảy từ rốn tôi sang rốn chú Giác. Thời gian kéo dài rất lâu. Tôi quay đầu, nhắm mắt. Tôi không đau. Tôi chỉ không muốn nhìn thấy.
Tỉnh dậy, tôi muốn lấy điện thoại gọi cô Chi. Nhưng tôi ngần ngại. Tôi sợ nghe một cái tin chẳng may.
Ngày 5 tháng 7, 2012
Một vòng hoa tang cho một nhà văn vừa qua đời. Tôi nói với tiệm hoa thế.
Họ nhớ tôi. Tôi vẫn đến đặt vòng hoa nơi này, phần lớn để viếng những người viết. Chú Thảo Trường năm 2008. Chú Nguyễn Mộng Giác năm 2012. Tôi cũng sẽ có những vòng hoa khác do một vài người đặt sẵn.
Tôi nói muốn đặt một vòng hoa theo hình dáng một cuốn sách mở ra. Như thế, như thế…
Họ nói, chúng tôi không nhận làm cuốn sách vì không có sẵn khuôn mẫu.
Một tiệm khác nói, sorry.
Tiệm cuối cùng nói, có thể làm thế này, gắn hoa thành hình cuốn sách trên mặt phẳng hình vuông, được không? Như hình thánh giá trên trái tim, hình chữ vạn trong khung tròn?
Trên một mặt phẳng?
Tôi nói, tôi muốn một cuốn sách thật bằng hoa cúc trắng. Cuốn sách mở tung ra cho thiên hạ đọc. Một cuốn sách như hình dung trong đầu. Cuốn sách tồn tại trong một không gian ba chiều. Như cuốn tự điển bách khoa giữa thế kỷ trước, dày cộm, trang lớn, khổ rộng như tờ báo.
Ngày 6 tháng 7, 2012
N hỏi, tại sao ngay giữa thủ đô tị nạn, tập trung những tòa soạn, tiệm sách, nhà báo nhà văn, mà không có cuốn sách hoa tang?
Anh Phùng Nguyễn nói, làm được không đó cô?
Tôi nghĩ, hãy thử làm. Tôi muốn nhìn tận mắt những hình ảnh và những ý tưởng đang nung nấu trong đầu. Cũng như muốn đọc một cuốn sách đúng yêu cầu, mình phải tự tay viết (chú Giác vẫn hay nhắc nhở tôi viết một cuốn truyện dài), muốn có một vòng hoa như ý, mình phải tự tay làm.
Ngày 7 tháng 7, 2012
Kế hoạch lên khung như sau: hai tấm canvas gắn theo hình cuốn sách mở ra, một trăm bông hồng trắng phủ lên canvas, ba bó cỏ khô làm sớ sách, những chùm lan vàng lẫn vào violet tím rủ xuống trang sách, bảy cuộn ruy-băng tím quấn thành bảy chữ “tác phẩm – Nguyễn Mộng Giác – nhà văn”, sau đó viết toàn bộ tác phẩm lên giấy papyrus, dùng lông vịt trời chấm mực tím viết, sách đặt trên giá vẽ của N.
Tiệm hoa nói: không có hồng trắng, tất cả hồng trắng đã dùng cho đám cưới.
Những chọn lựa còn lại: cát tường trắng, huệ trắng, lan trắng, phải là màu trắng.
Lan trắng cũng đã cung cấp cho đám cưới. Cát tường mỏng manh không xuyên qua canvas được. Huệ trắng không đẹp.
Các bạn Da Màu đã cung cấp vốn liếng để tôi tìm vật liệu, họ tin tưởng tôi sẽ thay mặt Da Màu mang đến một vòng hoa khác lạ. Một thứ gì nói lên tình cảm của chúng tôi, nói theo một cách riêng.
Hồ Như sẽ nói, đúng là gan cùng mình.
Tất cả hoa sẽ tàn, ngay ngày Chủ Nhật hôm sau.
Ngày 8 tháng 7, 2012
Nhưng bây giờ là thứ bảy, thứ bảy còn năm chục bông cúc đại đóa trắng.
N đang là một họa sĩ điên cầm dao cắm vào canvas. Cúc đại đóa mọc ra từ những vết đâm.
Thiếu hoa, cúc đại hóa không lấp hết mặt vải, chạy ra đường hái vội Lily of the Nile, hái trộm tất cả những loài hoa trắng trên đường, vơ vét cả hoa dại, không còn thời gian nữa. Chúng tôi hối hả. Màu sắc đúng như mình đã tưởng tượng, màu tím than trên màu cỏ úa, màu xanh rêu lẫn trong màu vàng, màu trắng tràn ra ngoài trang sách.
Những bông hoa có một ngày để sống.
Cuốn sách mở tung ra.
Ngày 5 tháng 7, 2012
Nhận được email của anh Thường Quán: “Tối hôm nay quá nửa đêm vào giường đi ngủ, lần đầu tiên bị trường hợp như có ai thực sự tấn công mình (an attack by a spirit) thành ra phải thức dậy viết cái homage, còn vẽ nữa chứ. J Vẽ trước, viết sau. Đọc lại thấy đúng như hay nói chuyện với anh Giác.”
Tôi nhìn hình phác họa chú Giác của anh Thường Quán. Tôi không biết vẽ, nhưng tôi cũng muốn tượng hình một chân dung theo cách của tôi. Mỗi người nhìn chú Giác một cách riêng. Câu anh hỏi “Ai nhận ra nhà văn? (của mình)” khiến tôi cũng muốn tự tay dựng lại chân dung nhà văn ấy, giữa mọi người, duy nhất, như anh đã viết trên Da Màu.
Đây là tác phẩm của tôi cho chú Giác:
Sữa và rượu. Văn chương nuôi dưỡng chúng ta như sữa và làm chúng ta say như rượu. Những bình không, những chai rỗng, những vật để chứa đựng nhắc nhở tôi, rằng tôi đã uống trọn những chất lỏng của đời. Tôi nhìn tác phẩm này để nhớ đến điều còn lại, đến những tinh túy mình đã từng uống, từ những bình rỗng, từ những chai không kia.
Điều không nhìn thấy nữa đã ngấm vào thân thể.
Tháng 12, 2000
Con người lúc nào cũng điềm nhiên, sẵn sàng có câu trả lời… Một mẫu người hết sức giản dị, trang phục lẫn ngoại hình đều có thể chìm lẫn, một nhân dáng có thể dễ lãng quên. Nhưng tất cả những điều này sẽ chấm dứt khi lắng nghe ông nói… Một con người trầm lặng, thật ít lời, nhưng hễ nói thì lại tạo cho tôi những thử thách mới. (1)
Người chủ bút trong một nơi để viết của phòng triển lãm mùa đông, đã đọc tất cả, trả lời tất cả, viết thư tất cả, trao đổi tất cả. Đã hoàn tất vai một chủ biên văn học. Và đã dặn, hãy viết thêm chút nữa, ở đây, ở đây, “ý tưởng rất hay, nên khai thác thêm, vì vừa nên thơ vừa bi đát.” (2) Người đã ghi những dòng chữ nghiêng nghiêng đó bên lề trang giấy. Rồi tôi đã mang chúng lại vào trong truyện của tôi. Và tôi bắt gặp lại trên mặt ông nụ cười tinh nghịch khi đọc đến đoạn này.(3)
Người chủ bút đến thăm tôi giữa chương ba của cuốn tiểu thuyết trong một nơi để viết, khi tôi nhìn lên thì ông đã đi rồi. Ngày hai tháng bảy năm 2012 lúc mười giờ mười lăm tối. Đi vào giấc mơ của người khác và exit khỏi trí nhớ của chính mình. Nhưng với tôi, nhớ vẫn là hành động khứ hồi. Và ông vẫn là người duy nhất có thể tới dù không đóng vai nào trong câu chuyện.
Đặng Thơ Thơ
___________________________________________
(1) Những câu viết nghiêng trích ý hoặc nhắc lại nguyên văn từ truyện ngắn Một Nơi Để Viết trong tuyển tập “Phòng Triển Lãm Mùa Đông” (Văn Mới 2002).
(2) Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết câu này trên bản thảo Nhà Trẻ của Đặng Thơ Thơ.
(3) Nhân vật ông chủ bút trong Một Nơi Để Viết cũng đã viết câu này trên bản thảo chương ba của nhân vật “tôi”, nhà văn trong truyện.
Số lần đọc: 4343