Đại đội Alpha của Ðại úy Scheller bị thiệt hại nặng nề, chính ông cũng bị xuất huyết khá nhiều, lòng cứ nghĩ nếu không được tải thương có thể phải mất máu cho đến lúc kiệt sức, nhắm mắt lìa đời ở trạm xăng Shell này. Ông cố bò đến núp dưới một rãnh nước cạn che thân thể được phần nào hay phần nấy. Ðiều ông lo nhất là không có phương tiện truyền tin để liên lạc được với bộ chỉ huy xin phương tiện tải thương hoặc tiếp viện.
Ông đưa mắt lo lắng nhìn quanh tìm anh hạ sĩ truyền tin Larry. Những quân nhân còn mạnh khỏe bắt đầu nép theo mấy chiếc M48 lần lượt đi cứu những người bị thương gom lại ở góc hai bức tường bê-tông dày của một căn nhà lầu xây dở dang. Đại úy cũng được thuộc cấp mang ông về đó. Tai ông dần dần bớt lùng bùng, ông bắt đầu nghe rõ được những lời bàn tán hoặc lo âu của anh em Thủy quân Lục chiến dưới quyền.
Gordon được một hạ sĩ Ban Quân y lấy dao xẻ ống quần và cánh tay áo để băng cầm máu lại. Vết thương ở cánh tay khá nhẹ, nhưng ở bắp vế thì hình như ông bị một viên đạn xuyên qua lớp thịt mềm. Ở chỗ đạn vào, vết thương chỉ bằng đầu đũa, nhưng viên đạn trổ ra phía vế bên kia phá một lỗ khá lớn. Ông không hiểu sao ban đầu ông chỉ cảm thấy ngứa sơ sài ở chỗ vết đạn nhầy nhụa ấy.
Toán cứu thương khiêng tới chỗ ông ngồi một người lính bất tỉnh, thân thể nhũn ra như người đã chết. Gordon nhận ra Larry, anh hạ sĩ truyền tin. Ông cảm thấy đau nhói ở tim, nghĩ người lính liên lạc thân thiết của mình đã qua đời. Nhưng ông lầm. Larry nằm im một lúc, bắt đầu cựa quậy, trăn trở trên nền xi măng lỗ chỗ. Hai chân Larry đang duỗi dài, đột nhiên chân phải của Larry co lên. Rồi hai tay Lany đưa lên trời như một người nằm mơ thấy mình được trao vật gì.
– Larry, Larry! Cậu cảm thấy thế nào?
Anh hạ sĩ mở mắt ngơ ngác nhìn Gordon, như không hiểu vì sao hai thầy trò lại ở đây. Rồi vào lúc bất ngờ nhất, Larry mỉm cười, chống tay ngồi dậy hết sức bình thường. Viên đại úy kinh ngạc quá, hỏi tới tấp:
– Cậu làm sao vậy?
Larry đáp:
– Tôi ngã khỏi xe tăng xuống đường, không biết gì sau đó cả.
– Đạn AK chúng nó bắn như mưa mà cậu không hề hấn gì, lạ thật! Máy truyền tin đâu rồi?
Lany chợt nhớ, bật đứng dậy chạy lại phía chiếc M 48. Chiếc tăng đang quay đầu trở lại cứu đợt ba số người bị thương. Bức tường cao không cho Gordon thấy Larry đã làm gì. Độ nửa giờ sau, anh hạ sĩ trở lại chỗ viên chỉ huy, tay xách theo chiếc ANPRC-25. Larry vỗ vỗ vào máy truyền tin, hãnh diện khoe:
– Chưa hư hao gì cả! Cái máy khỏe thật! Ðại úy cần liên lạc với bộ chỉ huy không?
Gordon cắn răng dằn cơn nhức nhối, bắt đầu làm việc với anh hạ sĩ.
Tin đại đội Alpha bị thiệt hại nặng và phải nằm dí ở An cựu đến tai Thiếu tướng LaHue lúc 1 giờ chiều, qua máy liên lạc của Trung tá Lynberg. Một lần nữa, tin ấy đánh thức cả một guồng máy khổng lồ đang lơ mơ ngủ. Và một lần nữa, người ta thấy được dòng lịch sử thực sự đã chảy ra sao!
Người chép sử nào cũng làm trái lại luật tự nhiên là đi ngược dòng thời gian, đi ngược luật nhân quả, vì nắm chắc trong tay kết quả rồi, người viết sử mới mò mẫm lôi ngược dòng sông đi tìm nguyên nhân. Trong đầu họ, nếu may mắn không mang sẵn định kiến, thì cũng phải có một phương pháp, một hệ thống để dễ dàng tìm kiếm. Kẻ mang hành lý cồng kềnh thì không đi được xa. Kẻ mang quá ít hành lý thì nhìn lịch sử đơn giản một chiều. Bước khởi hành về nguồn của họ đã không đơn giản chút nào. Huống chi trên đường đi, họ rối trí trước hằng hà sa số chi tiết, biến cố, sự kiện bề bộn. Họ ôm đồm hết thì chỉ có thể đứng một chỗ thở dốc mệt nhoài vì sức nặng của cuộc đời phức tạp. Mà loại bỏ bớt thì theo tiêu chuẩn nào?
Cuối cùng, dù nhà viết sử có muốn khách quan đến đâu, những điều họ chép chỉ là bộ xương khô của một loài khủng long trong bảo tàng viện khảo cổ, một hệ thống trí tuệ lấp lánh sặc sỡ nhưng còn lâu lắm mới đúng là lịch sử. Họ vất bỏ không thương tiếc những chi tiết mâu thuẫn bất lợi cho hệ thống. Họ làm ngơ trước những chuệch choạc thừa thãi, những rối rắm mù mờ. Và nếu có những điều rối rắm không thể bỏ qua, họ cũng cố giải thích làm sao để cái hệ thống đồ sộ giả tạo kia có thể phủ trọn bao nhiêu mâu thuẫn mù mờ ấy!
Chẳng hạn làm sao có thể giải thích được thứ lệnh lạc bất nhất khó hiểu của Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến buổi sáng hôm mồng Hai Tết Mậu Thân? Sáng hôm đó, Thiếu tướng LaHue có biết hai trung đoàn chính qui Bắc Việt và du kích địa phương đã kiểm soát gần trọn thành phố Huế hay chưa mà gửi hai trung đội rưỡi Thủy quân Lục chiến đi hành quân tại đó? Ðơn vị Việt Nam Cộng hòa hẹn gặp Ðại đội Alpha của đại úy Scheller ở quốc lộ 1 về hướng nam là đơn vị nào? Vì sao đơn vị ấy không có mặt ở điểm hẹn? Khi Thiếu tướng LaHue sửa lệnh nguyên thủy thành lệnh đi ngược lên để phối hợp hành quân với một đơn vị Việt Nam Cộng hòa khác tại điểm tập kết mới nằm phía bắc thành phố Huế, ông có biết là hai trung đội rưỡi Thủy quân Lục chiến dưới quyền Ðại úy Scheller muốn tới chỗ hẹn phải lái xe băng ngang qua Huế hay không? Ông có biết hàng mấy nghìn khẩu AK đang chờ sẵn từ khúc quanh An cựu để nhả đạn vào quân lính của ông hay không?
Để giải thích phản ứng khó hiểu của quân đội Hoa Kỳ trong vài ngày đầu, sau khi Bắc Việt tung ra cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, một số đầu óc đơn giản nghĩ rằng: chắc chắn đã có thỏa hiệp ngầm nào đó giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt. Hệ luận tất nhiên của lập luận này là: Đại đội Alpha của đại úy Gordon Scheller là vật hy sinh đầu tiên cho một cuộc mặc cả tàn nhẫn.
Lập luận ấy không được ổn vì hai lý do:
– Thứ nhất: lúc bấy giờ Hoa Kỳ không ở vào thế yếu ớt trên chiến trường để đến nỗi phải nhượng bộ. Với nửa triệu quân tham chiến tại Việt Nam (chưa kể số quân phục vụ tại các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên đất Thái lan và phục vụ trên Hạm đội 7), Hoa Kỳ không có bất cứ lý do nào để hạ mình nhượng bộ. Khe sanh chưa phải là Điện biên phủ, và mặc dù bọn trẻ chủ hòa làm rối loạn mặt trận phía sau, bất cứ nhà lãnh tụ Hoa kỳ nào cũng hiểu rằng không có gì mất nhân tâm cho bằng xúc phạm đến niềm kiêu hãnh của dân chúng Hoa Kỳ. Tổng thống Johnson chán nản muốn rút lui khỏi chính trường, nhưng không bao giờ ông muốn mang tiếng là một tổng thống đầu hàng trước kẻ địch.
– Thứ nhì: cơ chế quyền hành của Hoa Kỳ không cho phép bất cứ ai nhân danh toàn dân để tự ý quyết định những điều liên quan đến vận mệnh, danh dự chung. Người ta lập luận rằng bây giờ chưa phải là lúc những tài liệu mật như tài liệu mật của Ngũ giác đài (Pentagon Papers) được công bố. Người ta đoan chắc khi tài liệu ấy được công khai hóa, sẽ có bằng chứng cụ thể về cuộc mặc cả giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà nội trong vụ Tết Mậu Thân. Nếu cố bám vào một giả thiết để làm cơ sở cho một thành kiến, thì cứ việc chờ. Nhưng xin nhớ cho rằng: Sức mạnh của chế độ độc tài do ở sự tập quyền tuyệt đối, còn sức mạnh của chế độ tư bản do ở chỗ phát triển tự do cá nhân và quyền tư hữu đến tuyệt đối. Lấy mẫu hành động của chế độ tập quyền để suy nghĩ về Hoa Kỳ, có lẽ sai lầm!
Không dùng được hệ thống lập luận trên đây, thì trả lời làm sao trước những câu hỏi trên? Người chỉ huy khơi khơi gửi quân đến một nơi mình chưa biết rõ tình hình địch thế nào, kẻ thừa hành nhận lệnh ra đi thì chông chênh giữa may rủi. Giữa cơn mưa đạn, những Thủy quân Lục chiến của Ðại đội Alpha nếu may mắn thoát chết, không phải do họ được võ trang đầy đủ, không phải do họ nhanh nhẹn mưu trí, không phải do họ can đảm, mà hoàn toàn do ngẫu nhiên.
Lịch sử, nếu căn cứ vào một mảng nhỏ là cuộc hành quân của Đại đội Alpha sáng hôm ấy để qui nạp thành cái toàn thể, chẳng khác nào con thú hoang đùa giỡn trong khu rừng nguyên sơ, hoặc con ngựa chứng sẩy cương tung tăng trên đồng trống. Không giải thích được!
Tuy nhiên, những cái ngẫu nhiên phi lý nhiều khi lại có tác dụng làm cho chiều hướng lịch sử trở nên tự nhiên hợp lý hơn. Như sự tổn thất của Ðại đội Alpha. Tin ấy tới căn cứ Phú bài, các cấp chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tại đấy bắt đầu ý thức rõ mức trầm trọng của tình hình. Những yếu tố thuận lợi khác như tình chiến hữu, niềm tự hào của binh chủng Thủy quân Lục chiến, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới… từ đó được khởi động. Người mơ ngủ choàng thức dậy, thành người tỉnh táo. Kẻ ích kỷ thành người tình nguyện.
Ngẫu nhiên nhiều người trở thành người hùng, những điều họ làm trở thành niềm kiêu hãnh họ sẽ kể lại hoài hoài cho con cháu nghe, những kỷ niệm làm cho tuổi già của họ còn có chút sinh khí, làm cho cái miệng móm của họ vẫn nở được những nụ cười hết sức trẻ thơ, làm cho đôi mắt mờ đục mỏi mệt của họ còn phát được những tia long lanh. Bấy nhiêu đã đủ cho họ làm vốn mà thản nhiên trước những ngẫu nhiên bất trắc vây bủa quanh đời họ cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Họ đã làm tròn phận sự. Lịch sử thuộc về một lớp khác, thứ lịch sử rối rắm, khó hiểu, khi êm đềm thuận lợi, khi điên cuồng man dã, khi hợp lý khi phi lý, khi hợp lý một cách phi lý, khi phi lý một cách hợp lý, sáng và tối, mặt trăng và mặt trời, ngày và đêm, thiện và ác, hiền triết và đạo tặc, chân thực và giả trá, những cái tưởng là đối cực nhưng lại hỗ tương nhau đưa lịch sử xuôi dòng.
Cho nên không có chút gì quá đáng nếu bảo rằng chính sự thất bại tổn thương của Ðại đội Alpha đã giải tỏa được khu MACV.
Thật vậy, người không thể ngồi khoanh tay để cho quân sĩ dưới quyền mình chịu tổn thất ở Huế là Trung tá Marcus J. Garner, chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 1 Thủy quân Lục chiến thuộc Trung đoàn 1. Tin buồn đến Phòng Chỉ huy Tiểu đoàn vào lúc gần như ông không có quân trong tay. Ông bàn tính với Thiếu tá Walter McAndrew Trưởng ban Hành quân, vơ vét hết cũng chỉ được một số lính cơ hữu thuộc Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và Ðại đội Golf 2/5.
Vì quá cấp bách, đoàn quân tiếp viện cho Alpha không có thì giờ chuẩn bị lấy một kế hoạch hành quân dù sơ sài nhất. Thiếu tá McAndrew lo đi gom quân lại để chờ ở bãi đậu xe của đại đội quân xa C. Trung tá Garner xách xe Jeep đi quanh trại nhặt nhạnh bất cứ những ai có thể kéo vào cuộc được mà không phạm đến nguyên tắc, cũng như thu thập thêm một số tin tức về tình hình Huế vào giờ chót. Thiếu tá McAndrew báo cáo đã gom quân xong, sẵn sàng lên đường. Trung tá Garner bảo mấy chú Thủy quân Lục chiến làm việc tại văn phòng lên cả chiếc Jeep để ông chở ra bãi đậu xe. Thiếu tá McAndrew xin lái xe, ông không cho. Chiếc Jeep rồ máy, cua thật ngặt để khỏi mất thì giờ lùi, khiến đám lính chen chúc ở băng sau dồn lại xô ngã lên nhau. Chiếc Jeep vẫn phóng như ngựa chứng, chạy qua sân đậu của trực thăng.
Một chiếc UH1B vừa đáp xuống, cánh quạt quay tít xành xạch bốc bụi mịt mù. Trung tá phải thắng xe lại chờ chiếc trực thăng bay đi mới thấy đường lái tiếp.
Trên sân bay trực thăng, đứng chơ vơ giữa đám bụi mờ là Trung úy Tuyên úy Richard Lazarus, linh mục Thiên chúa giáo vừa vào Ðà nẵng thăm thương binh về. Trung tá Garner nhấn còi, gọi lớn:
– Cha có muốn lên Huế đánh nhau với VC ngay trên đường phố hay không?
Cha Lazarus lấy tay che cho bụi khỏi vào mắt và miệng, không đáp ngay, tiến về phía chiếc Jeep. Đám lính phía sau xe nhao nhao mỗi người góp một câu:
– Theo tụi này đi. Cha ơi! Mấy thuở được bắn nhau trên phố như đóng phim cao bồi!
– Có Cha đi theo, tụi này phải thắng. Chúa che chở chúng ta, phải không?
Cha Lazarus nổi tiếng là một vị tuyên úy xông xáo. Ông qua Việt Nam được một năm, và lúc nào cũng theo sát các cuộc hành quân nguy hiểm của Thủy quân Lục chiến. Trong nhiều trận đánh ác liệt, chính cha đã dùng súng bắn chặn địch để toán cứu thương cứu được các thương binh.
Cha Lazarus tiến tới chỗ Trung tá Garner, “hi” một tiếng, rồi quành qua đầu xe leo lên ghế tay phải. Thiếu tá McAndrew ép sát vào trong dành bớt chỗ cho Cha, trong khi cả xe cười nói vang rân, khen Cha “chịu chơi”.
Chiếc Jeep lại rồ ga chạy đến chỗ bãi đậu xe Ðại đội C. Số Thủy quân Lục chiến của Ðại đội Golf 2/5 thật ít ỏi. Đại đội này thuộc Trung đoàn 5 tăng phái qua cho Trung đoàn l, cho nên Trung tá Garner chỉ huy một đám quân tạp lục gồm lính văn phòng, cha đạo, những lính hết hạn phục vụ chờ hồi hương, những lính được nghỉ phép chờ trở lại đơn vị… Trong cảnh đó, ông có muốn chuẩn bị kỹ càng cuộc tiếp viện cũng không được. Ông chỉ ra lệnh: “Lên xe!” Thế là cuộc hành quân bắt đầu.
Đòan quân xa theo quốc lộ Một lên Huế, lái tránh những xác xe tăng cháy, những chiếc GMC bị B-40, những xác người rải rác, và đến được cầu An cựu mà không bị bắn sẻ phát nào. Ðoạn phố hẹp trước mặt họ đúng là một bãi chiến trường, nói rõ hơn, giống y cảnh một đường phố tỉnh nhỏ của Ðức khi quân đồng minh tiến tới bắn phát súng ân huệ lên chế độ Quốc xã. Cha Lazarus nhìn qua phía tay mặt, thấy vài người dân Việt Nam nằm chết trên lề đường hẹp. Xác một người đàn bà đã lạnh cứng nên hai cánh tay giơ lên trời bất động, như vẫn còn chới với níu kéo lấy sự sống.
Toán tiếp viện ít ỏi đã xuống khỏi xe, và men theo địa thế lần mò từng bước tiến qua khu phố đã ngập ngụa tử khí. Những loạt bắn sẻ không còn dồn dập dữ dội như buổi sáng. Thêm vào đó, những xác xe nằm ngổn ngang trở thành những công sự thuận tiện để cố thủ hoặc thành chướng ngại vật tránh đạn phía trước bắn tới. Cuối cùng, toán tiếp viện đến được khu cây xăng Shell. Cha Lazarus bàng hoàng xót xa khi nhận ra được người bạn thân của ông, Ðại úy Gordon Scheller nằm rũ dưới chân bức tường xây dở dang như một xác chết. Vài phát đạn súng máy bắn véo trên đầu tường, từ phía những ngôi nhà phía trước mặt, cách khu cây xăng Shell bằng một khỏang đồng hẹp.
Cha Lazarus giận quá, chụp khẩu M16 nằm gần đó bắn một loạt đạn về phía dãy nhà trước mặt. Ðại úy Scheller cựa mình, phều phào can:
– Đừng làm vậy! Chỉ chọc cho chúng nhắm về chỗ này mà nhả đạn thôi.
Cha Lazarus quăng khẩu M16 chạy đến gần Gordon. Máu đã loang thành vũng dưới chỗ viên đại úy nằm. Sắc mặt Gordon nhợt nhạt như người đã chết. Tự nhiên Cha tuyên úy trở lại bình tĩnh. Ông bò đến chỗ Trung tá Garner, lúc bấy giờ đang núp sau tấm chắn sát chiếc M48 để bàn luận cách giải tỏa khu MACV với Trung tá Lynberg. Linh mục xin một chiếc GMC để chở thương binh về Phú bài gấp, trước khi quá muộn. Trung tá Lynberg buồn rầu bảo:
– Có lẽ chỉ còn cách liều lĩnh ấy! Tôi đã gọi khắp nơi xin trực thăng tản thương, nhưng không được.
Cha Lazarus leo lên một chiếc GMC cho lùi xe lại sát chỗ bức tường xây dở. Số thương binh nằm núp rải rác được gom lại. Anh hạ sĩ truyền tin Ðại đội Alpha phụ vị linh mục nâng dìu các thương binh lên xe, để tới lúc sắp đưa được người cuối cùng, thì một loạt đại liên từ bên kia đồng bắn tới. Larry khuỵu xuống. Cha Lazarus ngơ ngẩn một lúc, rồi thuận tay đẩy lọt Larry vào lòng chiếc GMC. Đạn tứ phía nhắm vào chiếc GMC bắn tới như mưa. Cha Lazarus hét lớn:
– Tài xế đâu. Chạy đi!
Anh tài xế núp ở sau chiếc bánh trước vội đứng bật dậy, cố mở cửa xe leo lên buồng lái nhưng mất bình tĩnh mở mãi không được. Anh chới với nhìn Cha Lazarus, vừa cầu cứu, vừa như xin lỗi. Ðúng lúc Cha định chạy đến giúp, thì cánh cửa xe bật ra. Xe rồ máy, lùi lại quá đà đụng phải đầu bức tường lỗ chỗ dấu đạn, rồi chạy về hướng Phú bài.
Chiếc GMC về tới Phú bài an toàn như một phép lạ. Tại bệnh viện dã chiến, người ta xếp cho Đại úy Gordon Scheller nằm cạnh anh hạ sĩ truyền tin Larry Kohner. Bụng dưới Larry nhận lãnh một lúc ba viên đạn. Anh mất máu quá nhiều trên đoạn đường tải thương trên mười cây số.
Gordon được băng bó, tiêm thuốc, vì mệt và yếu ông ngủ mê đi lúc nào không hay. Ông thức dậy lúc trời bắt đầu tối, ngọn đèn bóng trên đầu ông đã được bật sáng: Người ta đã phủ drap trắng lên mặt Larry, trong khi chờ đưa anh xuống phòng lạnh nhà xác!
Như vậy tại tuyến chiến đấu ở khu cây xăng Shell An cựu, buổi chiều ngày mồng Hai Tết, ngẫu nhiên lịch sử đã đưa đẩy để ba đơn vị cùng nhau tham dự trận đánh gỡ thể diện cho cả một đạo quân hùng mạnh nhất thế giới: phần còn lại của Ðại đội Alpha do trung sĩ Godfrey chỉ huy, Ðại đội Tăng phái Golf 2/5 do Ðại úy Charles Meyers chỉ huy, và đơn vị hộ tống tiếp vận do Trung tá Lynberg chỉ huy. Mặc nhiên những người chỉ huy này đã xem Trung tá Garner là người “chỉ huy tối cao” có đầy đủ kinh nghiệm và thẩm quyền nhất, nên sau khi chiếc GMC tải thương chạy khỏi khu phố An cựu đổ nát, “bộ chỉ huy tiền phương” mới họp bàn kế hoạch vượt qua khoảng đường ngắn trống trải trước mặt để tiến vào khu MACV.
Trung tá Lynberg lãnh nhiệm vụ điều khiển ba chiếc M48 còn chạy được và một chiếc M-113 Việt Nam Cộng hòa chưa bị B40 bắn cháy, băng qua khoảng đồng trống để tới trại MACV.
Trung tá Garner, Ðại úy Meyers và Trung sĩ Godfrey nằm lại để bảo vệ mặt lưng và dần dần tiến gần tới mục tiêu. Bốn chiếc xe tăng không đủ làm mộc che để bấy nhiêu người cùng tiến tới một lần, chưa kể cho đến lúc đó, họ vẫn không biết lực lượng địch kiểm soát khu An cựu và Phú cam là bao nhiêu, khả năng hỏa lực thế nào.
Họ chiến đấu giữa ban ngày, ngay tại thành phố mà chẳng khác nào chiến đấu trong rừng rậm với những kẻ thù ẩn hiện khi có khi không. Họ vẫn nhận được liên lạc với Bộ Chỉ huy Sư đoàn dưới Phú bài, liên lạc được với cả những chiếc trực thăng tuần tiễu thám sát bay quần trên bầu trời xám xịt của Huế. Họ còn liên lạc được với cả số quân nhân bị vây hãm ở MACV. Nhưng những mối liên lạc đó không giúp gì họ được. Đạn địch vẫn bay tới từ bất cứ hướng nào, vào bất cứ lúc nào. Cái chốt chờn vờn chờ đợi khắp nơi, người bị thương không có hy vọng được tải thương mau chóng như những khi họ hành quân trong rừng già. Họ đi tới, giữa những ngẫu nhiên và bất trắc. Nhưng giữa cái bất trắc rời rã của hoàn cảnh, lại ngẫu nhiên có những khe hở. Tuy không hề biết trước, càng lúc họ càng thấy hỏa lực địch không ghê gớm như ban đầu họ tưởng. Sự phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị địch cũng không chặt chẽ để làm nên một bức rào lửa kiên cố. Đoàn xe tăng của Trung tá Lynberg đến được khu MACV an toàn. Ở đó, những quân nhân bị vây hãm chỉ dẫn cho xạ thủ đại pháo gắn trên tăng M48 thanh toán các ổ bắn sẻ quanh MACV, tạo an toàn cho quân nhân MACV trở ra tiếp trợ cho các toán thủy quân lục chiến còn nằm lại ở An cựu.
Lịch sử có vẻ bắt đầu hợp lý, chảy xuôi trong tầm kiểm soát của con người. Ít ra, cũng có vẻ hợp lý vào đúng lúc đó!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 93