Ngô về đến nhà lúc trời vừa sáng. Tâm hồn chàng bị chấn động dữ dội tới nỗi chàng hết ý thức được thực tại. Mọi vật trước mắt chỉ còn là những đường nét nhòe mờ, những di động thấp thoáng như nhìn qua một tấm kính cửa sổ đẫm nước. Ngô bước chếnh choáng y như người say rượu, tiếng động chung quanh dù nhỏ dù lớn đều lao xao đều đặn như tiếng gió thổi vào những cành thông. Chàng không nhớ từ ngôi trường âm u tử khí trở về căn nhà tạm làm cơ quan, bốn người cùng tổ công tác có nói chuyện với nhau không. Hình như có thì phải. Người nào đó có hỏi Ngô vài câu ngắn, Ngô cũng có đáp lại. Họ hỏi gì? Ngô đáp thế nào? Chịu! Chàng không nhớ gì hết!
Ngô cảm thấy mình trở thành một người khác, nguồn máu luân lưu trong người chàng dường như cũng khác. Cả trái tim đẩy dòng máu luân lưu đó cũng đổi nhịp hoạt động. Máu chảy nhanh hơn, đầu óc căng thẳng, tai lùng bùng, mí mắt nặng trĩu xuống. Nếu chàng thét lên được một tiếng cho thỏa, hoặc như con chó được tru thảm thiết giữa đêm khuya, may ra Ngô còn là Ngô. Nhưng chàng dật dờ chập choạng trong im lặng ẩn ức, nằm sấp xuống cái giường trải chiếu ẩm suốt buổi sáng hôm sau mà tâm hồn không tỉnh lại. Mặt giường như chao đảo, quay cuồng.
Cả bốn người đều nằm lăn ra ngủ nên trong căn nhà ngói mái thấp hoàn toàn im vắng.
Ban đầu, Ngô biết mình đang nghĩ lung tung từ ý nọ nhảy sang ý kia, nhưng không thể định được mình đang nghĩ gì. Về sau, quay nằm ngửa nhìn lên trần nhà định thần, chàng cảm thấy tỉnh táo hơn đôi chút. Chàng thấy rõ được những chỗ nối của các tấm ván ép, thấy được cả những nốt tròn màu đen của các tấm ván ép, thấy được cả những nốt tròn màu đen của đầu đinh đã rỉ sét. Chỗ trần nhà ngay phía chân giường, nước mưa dột làm loang lổ một khoảng ván ép, tạo một hình thù quăn queo răng cưa như những nét khó hiểu trong tranh siêu thực.
Ngô cố gắng hết sức vẫn không nhận rõ được ý nghĩ. Cuối cùng, chàng áp dụng cái mánh đã dùng lúc nằm trong lao Thừa phủ, là nói thầm cho chính mình nghe để tập trung các cố gắng vào một dòng duy nhất. Ngô nhấp nháy môi nói một mình:
– Nào! Hỡi những hình dạng vô nghĩa, những đường gỗ mốc ngoằn ngoèo. Chúng mày muốn nói điều gì? Không có gì để nói cả! Những giọt mưa mùa đông chảy ngoằn ngoèo trên những tấm ngói cũ lăn theo sức nặng không do mình có, không cần biết sẽ lăn đi đâu. Nếu một viên ngói không vỡ hay vữa nát, giọt nước sẽ lăn xuống máng xối. Nhưng có một chỗ thoát gần gũi nằm sẵn ở đây, chỗ chênh vênh này, thì cứ lăn xuống. Giọt nước chạm trên mặt ván ép. Nằm đó. Hơi ẩm mốc trên trần nhà giữ được giọt nước bao lâu? Không biết! Không cần biết! Cứ an nhiên đọng lại thành vũng ở đây. Mặt ván hút một phần, một phần bốc thành hơi làm tăng thêm hơi ẩm pha mùi phân chuột, bụi bặm có sẵn trong khoảng đen tối dưới mái. Màu ván sẽ thôi vì nước ẩm, thành những vết mốc màu nâu sậm. Nước không thấm theo một đường kỷ hà, nên đường mốc uốn khúc ngẫu nhiên. Nó tạo ra hình thù gì đây? Không giống bất cứ vật gì đã thấy trong đời. Cứ cho nó giống với cái gì trừu tượng ma quái đi. Giống như một thứ ác mộng, một điềm kinh dị, một chuyện không thể tưởng tượng nổi, không nằm ở đúng trong ranh giới của sống và chết, thiện với ác. Nó là hình ảnh của cái thiện ẩn mình trong những hình dạng kỳ quái khó hiểu. Không thể được. Họa chăng nên nghĩ ngược lại, nó là cái ác vượt ra ngoài khuôn khổ của ngay thẳng. Trời hỡi! Có thể điều kinh hoàng ấy xảy ra được không? Người ta dẫm phải một ngọn cỏ đang xanh mơn mởn còn cảm thấy mũi giày ngập ngừng chùn lại ở bước tiếp. Hồn ngọn cỏ bất hạnh dường như nhập vào một hơi gió heo may, oán trách lặng lẽ. Người ta rùng mình khi phải tự tay cắt tiết một con gà. Huống chi giết một con người! Một tên sát nhân điên cuồng nhất sau khi chùi bàn tay máu lên miếng giẻ còn chút ngượng ngùng để vội vã giấu miếng giẻ tang vật tội ác ấy vào chỗ kín đáo. Hắn còn biết sợ. Sau những cơn say bí tỉ, hắn còn thấy chập chờn trước mắt hình ảnh nạn nhân của hắn oằn mình dãy dụa trên mặt đất, đôi mắt lạc thần nhướng lên nhìn hắn nửa ngỡ ngàng nửa oán trách. Hắn mất ngủ nhiều đêm, tìm quên trong men rượu. Hắn có thể phạm tội cuồng sát lần nữa, rồi lần nữa, nhưng những lần sau hắn giết người như một bộ máy sát sinh chứ không còn như một con người. Tâm hồn hắn tê liệt. Hắn bị cái hình phạt khốc liệt nhất là bị tước đoạt linh hồn. Hắn sống mà như đã chết. Xã hội về sau nếu có khám phá ra tội ác của hắn cũng chỉ phán xử cái xác không hồn của hắn mà thôi.
Cái gì có thể đưa đẩy người ta tới chỗ có thể giết một lúc chừng ấy người, một cách thông minh bình tĩnh như vậy? Vì bản tính cuồng sát? Không đâu! Những người Ngô gặp hơn mười ngày nay đều bình thường như tất cả mọi người bình thường. Trong tổ, mình vẫn úy kỵ Sáu Lăng nhất. Hắn lầm lì, đôi mắt dữ, ưa xoi mói. Đúng là đôi mắt chuyên nghiệp. Nhưng mỗi lần chị Miềng kín đáo tỏ sự ân cần đối với hắn, như chia cho hắn một miếng cơm cháy dòn hơn miếng của Thuấn, nét mặt Sáu Lăng hân hoan thấy rõ. Khi có mặt chị Miềng, hắn thường lấy bàn tay vuốt lại tóc cho dễ coi hơn, ngồi ngay người ưỡn ngực lên cho bớt vẻ yếu đuối bạc nhược. Hắn yếu đuối tuy cố tỏ ra lạnh lẽo cứng cỏi. Nếu mình dẹp bỏ tự ái, chịu khó khen hắn vài câu, chịu khó ân cần nói chuyện với hắn, chắc chắn giao tình giữa mình và hắn không đến nỗi lạnh lẽo tệ hại như thế này! Con người đó nếu sống trong cảnh bình thường sẽ âm thầm chấp nhận một cuộc đời bình thường, đôi khi còn được khen là hiền lành chân chỉ hạt bột. Vậy cái gì đã giúp cho Sáu Lăng nghĩ được một cách “xử lý” lạnh lẽo thần sầu như thế? Cả những bộ đội tham dự vào cuộc tàn sát tập thể, vì sao họ ngồi hút thuốc bình tĩnh được như thế giữa đống xác chết trước mắt? Họ yên ổn tâm hồn như vừa tham dự một cuộc thánh chiến! Thánh chiến nào?…
Phải rồi! Người ta giết người an nhiên, dễ dàng còn hơn dẫm lên một ngọn cỏ, vì người ta được niềm tin che chở. Nhưng hãy xem lại nào! Kẻ đầu tiên khai thị một niềm tin bao giờ cũng bị chính người đồng thời miệt thị như một kẻ điên khùng làm rối loạn trật tự. Nhẹ thì xa lánh. Nặng thì bêu riếu làm nhục trước khi đem hành hình. Cỏ dại mọc trên nấm mồ vô chủ, như đã mọc trong trí nhớ. Quên lãng. Cấm kỵ. Rồi đến cái thời kẻ đó trở thành một bí nhiệm đủ sức xoa dịu những vết thương. Người điên và kẻ tử tội dễ trở thành thần linh. Cho tới lúc những tên buôn thần bán thánh tìm được cơ hội tốt để bày món hàng mới, những á thánh giả hiệu đông như kiến giữa số ít những á thánh chân chính. Đủ loại sấm ký ra đời, và từ đây kẻ giết người không giấu bàn tay hoen máu đi mà kiêu hãnh chùi bàn tay máu ấy lên ngực áo mình như một thứ huân chương. Cái thời ấy, mình đang sống đây. Những tên sát nhân tân thời đó, mình đang gần gụi. Họ giết chừng ấy người một cách thông minh, không hại sức. Xong việc thì an nhiên hút thuốc. Ngủ một giấc ngon lành, ăn một bữa cơm nóng, mọi sự coi như vẫn bình thường. Kinh khủng quá!
Có tiếng cười đùa ở mảnh vườn con phía sau nhà. Ngô xuống bếp tìm vò nước rửa mặt cho đầu óc tỉnh táo, thấy Thuấn và Sáu Lăng đang đá kiện. Khuôn mặt cả hai đều đỏ hồng vì thích thú lẫn mệt nhọc, dù khí hậu buổi sáng vẫn rét căm căm như mấy hôm trước.
Trông thấy Ngô, Thuấn kêu:
– Ra đây thay tôi một lúc.
Sáu Lăng vừa đỡ trái kiện rơi về phía mình, vừa la lớn:
– Không được chạy làng!
– Thèm vào!
– Ván này nữa là chín nhé!
– Nhớ!
– Thua đủ mười ván thì làm ông nhọ nồi nhé!
– Không dễ thua đâu! Này!
Thuấn đưa trái kiện vào một chỗ Sáu Lăng khó đỡ kịp. Nhưng Sáu Lăng thành thạo xoay người đá vớt trái kiện về phía Thuấn, dáng điệu thật gọn và đẹp mắt. Thuấn vớt không được trái kiện bị trả lại, kêu to:
– Thôi nghỉ đá, mệt lắm rồi!
– Còn một ván nữa!
– Nghỉ một chút rồi chơi tiếp.
– Tìm cách chạy làng không được đâu!
Thuấn gỡ bí bằng cách quay sang thân mật hỏi Ngô:
– Ngủ được à?
Ngô nói dối: Vâng.
– Giỏ lắm! “Lần đầu” mà ngủ được, cừ khôi thật!
Sáu Lăng lau mồ hôi trán bằng vạt áo sơ mi màu rêu nhàu bẩn rồi ngước lên nói:
– Mấy ông hoạt động nội thành có sẵn căm thù nên mau quen lắm! Tối nay giao thêm công tác cho anh được rồi!
Ngô giật mình, lúng túng không biết phải tìm cớ gì để từ chối, mặt đỏ lên. Thuấn cười khanh khách, tố thêm:
– Giao cho đồng chí Ngô mấy tên cai ngục lao Thừa phủ, cho đồng chí ấy mặc sức “xử lý”.
Ngô không dằn được nữa, nói thẳng:
– Tôi không quen làm chuyện đó.
Thuấn nói:
– Anh không giết chúng nó thì chúng nó cũng giết anh. Đã có nhiều đồng chí của chúng ta bị phục kích bắn lén rồi!
Sáu Lăng giải thích đúng sách vở hơn:
– Không tiêu diệt bọn phản động thì không xây dựng chính quyền cách mạng được. Đó là bạo lực cách mạng!
Ngô không nói gì, chỉ hỏi:
– Chị Miềng đâu rồi?
Thuấn đáp:
– Đi lãnh thêm khẩu phần lương thực. Thèm thuốc lá quá đi mất! Gói Cẩm lệ chẳng còn cọng nào cả. Này, hôm qua đi tìm giấy vấn thuốc, nhặt được mảnh báo trong này, đọc vui đáo để.
Sáu Lăng tỏ vẻ thờ ơ với câu chuyện sắp trao đổi giữa Thuấn và Ngô, cau mặt nhắc anh bộ đội:
– Đá nữa không nào?
– Thôi, xin thua!
– Vậy là phải chịu quẹt nhọ nồi.
Thuấn đáp tỉnh:
– Tùy ý.
Sáu Lăng mất hứng, bỏ đi ra phía trước. Ngô cảm thấy dễ chịu hơn, lấy bạo hỏi Thuấn:
– Những việc như hồi hôm, anh thường làm không?
Thuấn hỏi lại:
– Anh hỏi chi vậy?
Thấy nét mặt của Thuấn có vẻ đùa cợt hơn là cau có, Ngô nói:
– Từ lúc về, tôi không ngủ được. Ghê rợn quá!
Thuấn nói:
– Thì cứ coi như bắn giết nhau ngoài mặt trận.
– Nhưng đây không phải là mặt trận.
Thuấn cãi:
– Ở đâu không là mặt trận. Nhiều khi mình là kẻ thù của mình, chưa kể tới người khác. Có kẻ nay là bạn, mai là thù. Phân biệt ta địch bạn thù cho kịp thời, hành động cho lẹ, mới sống còn được. Chúng tôi ngoài Bắc sống đi dây xiếc, khờ khạo chậm chạp là chết. Anh cứ linh tinh kiểu này…
Ngô chờ Thuấn nói hết câu, nhưng Thuấn dừng lại. Ngô e ngại nhìn Thuấn, sống lưng cảm thấy rờn rợn ớn lạnh.
Buổi chiều không biết ba người trong tổ bàn luận riêng với nhau những gì, mà lúc ăn cơm xế xong, Sáu Lăng ân cần bảo Ngô:
– Chúng tôi thông cảm điều kiện giới hạn của đồng chí, nên cho đồng chí nghỉ công tác một đêm. Lạc quan lên nhé!
Còn ở nhà một mình, Ngô không dám nằm, dù trong người cảm thấy buồn ngủ và dật dờ khó chịu. Chàng đi lại quanh phòng, rồi ra đứng hóng mát ở cái vườn con.
Ngô cảm thấy tù túng như lúc ở laoThừa phủ. Từ hôm nghe tin cầu Trường tiền đã bị đặt chất nổ giật sập, chàng ao ước được lên phố để tận mắt nhìn cây cầu thân yêu của đời mình. Mặc dầu cả Sáu Lăng lẫn Thuấn giải thích rằng “bọn Mỹ ngụy đã phá hoại công trình lao động của nhân dân”, nhưng từ tấm lòng thiết tha của người con Huế đối với cây cầu, Ngô không tin như vậy. Ngô không có kiến thức tối thiểu nào về quân sự để lý luận, xác quyết xem bên nào được lợi hơn nếu cầu Trường tiền gãy sập. Ngô chỉ suy từ lòng mình để làm căn bản cho niềm tin. Ngô nghĩ nếu cần dùng thân xác của mình để dập tắt ngòi nổ cứu cây cầu, chàng không e ngại. Những người con khác của Huế cũng vậy. Ngô xem đó là vết thương lớn của Huế, đồng thời cũng là vết thương không bao giờ lành của từng đứa con của Huế. Chàng muốn nhìn thấy cảnh cây cầu gãy như một người lính bị cưa chân muốn nhìn bàn chân đã lìa khỏi thân thể mình trong phòng giải phẫu, để sự đau khổ có hình dáng giới hạn được phần nào nỗi đau mông lung âm ỉ đến suốt đời.
Lúc trời bắt đầu nhá nhem tối, lúc những đạn đạo hiện rõ như mắt lưới trên nền trời xám đậm pha màu đỏ thẫm chiếu hắt từ phương Tây, Ngô nheo mắt cố nhìn vẫn không đoán được người khách nào vừa dựng xe đạp xăm xăm vào cơ quan. Ngô biết mắt mình kém quá sớm, nhiều lúc không phân biệt được những màu có sắc độ gần nhau.
Người khách đến thật gần Ngô mới nhận ra Tường. Ngô mừng quá, lịm người không đứng dậy được khỏi bậc thềm, hóa ra như người vô tình. Chàng có cảm tưởng bạn ốm hơn trước, bộ quần áo bộ đội rộng thình, cái mũ cối sụp xuống che khuất cả cặp mắt. Tường giở mũ vuốt lại tóc, hỏi Ngô:
– Tao vất vả lắm mới tìm ra cơ quan của mày. Sao dời nhà luôn vậy?
Ngô mừng rỡ tìm được người có thể tâm sự đúng lúc đang cần, nhưng cố hỏi quanh chuyện khác:
– Mày tìm tao có việc gì cần không? Gia đình thầy thế nào?
Tường khó chịu khi thấy Ngô giữ kẻ, tránh nhắc tới Nam. Tường đáp:
– Tao có ghé thăm Nam hồi chiều. Vì vậy phải đi tìm mày.
– Sao vậy?
Tường nhìn vào trong nhà hỏi:
– Sáu Lăng đâu rồi?
– Đi công tác rồi. Hai mẹ con Nam gặp chuyện gì phải không?
Tường ngồi ngay xuống bậc thềm, buồn rầu nói:
– Không! Chuyện của thầy.
– Thầy Văn à?
– Ừ.
– Thầy làm sao?
– Trên đó bảo khu vực của thầy do Sáu Lăng phụ trách. Họ vừa bảo thầy chuẩn bị quần áo lương thực đi học tập ba ngày.
Ngô nghe đến tiếng “học tập”, đang ngồi bên Tường bất giác đứng bật dậy, lo lắng hỏi:
– Họ bắt thầy rồi à?
– Chưa. Nhưng ngày mai phải đi trình diện.
– Ở đâu?
– Tao không biết. Vì thế phải tìm hỏi Sáu Lăng.
– Mày có quen trước với Sáu Lăng, chắc can thiệp cho thầy được. Chuyện đi học tập, tao ngại lắm.
Tường không nói gì. Ngô nhìn Tường hồi lâu, mới hỏi:
– Mày có chắc là họ chỉ cho đi học tập không thôi hay không?
– Sao mày hỏi vậy?
Ngô cố dằn nỗi xúc động đang làm nghẹn hơi thở, bảo Tường:
– Tối hôm qua Sáu Lăng vừa điều khiển một buổi học tập đông đảo lắm. Những 170 người. Chen chúc nhau chật cứng trong cái huyệt rộng.
Ngô vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Tường để xem bạn phản ứng ra sao. Tường nuốt nước bọt, im lặng một lúc thật lâu.
Ngô hỏi tiếp, giọng trầm lại:
– Mày lên Khu hai năm nay, trở về thành cán bộ cốt cán. Mày đã điều khiển bao nhiêu cuộc học tập như thế rồi?
Tường nổi cáu quát lên:
– Mày bỏ ngay cái giọng mỉa mai đó, nếu không muốn bị giết như một con chó dại. Mày có biết tình hình hiện nay ra sao không? Anh Năm, người tao dẫn mày tới gặp lần đầu, đã bị bọn bắn lén giết chết. Ở đâu cũng có kẻ thù len lỏi rình rập. Chưa biết lúc nào tụi Mỹ tấn công qua đây, chưa biết lúc nào viện binh của chúng tới được Mang Cá. Mày hãy liệu mà giữ thân. Mày nói với tao như vậy không sao. Lỡ người khác nghe…
Ngô cắt lời bạn:
– …Thì đi học tập là xong chứ gì! Tao mong được chính mày điều khiển cuộc học tập.
Giọng Tường đanh lại:
– Vâng. Nếu cần. Vì bánh xe lịch sử đã quay thì nếu cần phải cán lên trên rác rưới mà tiến.
Ngô không nhìn vào mắt Tường nữa, cúi xuống nói, giọng đều đều như không cần ai nghe:
– Bánh xe lịch sử! Đỉnh cao của trí tuệ! Lương tâm của loài người! Không đâu, Tường ơi! Mấy năm trước nghe những lời như thế từ miệng mày nói ra, máu tao nóng lên, tao say sưa, tao thấy mình phải trở thành gió thành bão. Bây giờ, mày đừng hòng dùng những tiếng dao to búa lớn đó dụ hoặc tao! Tao hiểu hết rồi! Tao hiểu vì sao người ta có thể giết hàng trăm mạng người mà vẫn ăn ngon ngủ yên. Chỉ vì cái “bánh xe lịch sử”, cái “đỉnh cao trí tuệ” chó chết đó! Giết người thì cứ nói đại là giết người, đừng có uống bùa để cố quên mùi máu tanh!
Tường giận quá, không tìm ra được câu độc địa nào để đáp lời Ngô. Ngô cũng cố tránh không nhìn Tường, vì biết nếu nhìn thẳng, chàng không nỡ nói hết những điều cần nói. Cuối cùng, Tường bảo:
– Tao cầu mong cho mày sống sót sau vụ này! Tao cầu mong cho mày biết sống khôn ngoan hơn. Chẳng còn gì để nói với mày nữa. Tao đi đây!
Ngô nghe tiếng chân Tường bước về chỗ để xe đạp. Nhưng chàng nhất định không ngước lên. Lòng Ngô đau nhói, như vừa chịu một cái tang lớn trong đời!
Từ lúc đó, Ngô như một người mộng du. Chàng cảm thấy như có khối nặng đè lên đầu, buộc chàng ngồi dính lên nền xi măng tô không được phẳng của thềm trước căn nhà. Khối đá mỗi lúc mỗi nặng hơn, như có một kẻ vô hình nào đó dùng tay đè lên tảng đá. Ngô cố nín thở để chịu đựng, tất cả sức lực dồn hết lên cổ và sống lưng để khỏi bị gập người lại. Rồi đột nhiên khối đá nhẹ hẳn đi. Chàng thở phào, vội đứng dậy…Chàng sợ hãi không dám quay đầu nhìn lại phía sau lưng, cắm cúi bước ra đường. Chàng không dám chạy vì sợ bị đuổi bắt, đồng thời cũng cố không đi nhanh quá để chứng tỏ mình không hề sợ hãi. Phải đi thôi. Không cần biết đi đâu nữa, miễn là rời bỏ chỗ cũ.
Ngô không ý thức được những gì đang xảy ra quanh mình. Những toán người cầm súng lướt qua. Những tiếng đạn nổ rời rạc hoặc những tràng liên thanh đuổi bắt theo kẻ thù ẩn hiện như bóng ma, ở gần xịt bên đường hay xa tận bờ sông, Ngô không phân biệt được. Một người nào đó chận chàng lại hỏi chàng gì đó, chàng trả lời gì đó. Lại tiếp tục bước. Những ngõ tối. Những hẻm ngoằn ngoèo. Những bóng đèn chớp nháy như trêu cợt, hoặc nhòa đi như mắt lệ. Những căn nhà kín cửa. Những bước chân phía sau, những bước chân phía trước. Dường như có tiếng ai đó khóc thút thít sau tấm cửa ván căn nhà sát đường cái. Lại có tiếng cười đùa ở một trạm canh, giọng nam ồ ồ pha với giọng nữ thanh.
Và giống như trường hợp những người mộng du đi lại thong dong tự nhiên như tay xiếc lành nghề trên ngọn tường cao, không hề biết chóng mặt, không hề biết hồi hộp, không hề biết lo ngại nguy hiểm nên được an toàn, Ngô cũng an toàn đi giữa những họng súng hờm sẵn trong khắp ngõ hẹp để ra tới phố lớn. Chàng bước chậm trên lề đường phố như một tay chơi về khuya. Rất thoải mái. Vừa bước vừa trầm tư như một đạo sĩ đạt đạo. May mắn không ai nhìn ra được đôi mắt đã dại đi, đôi mắt thất thần của chàng.
Hè phố dẫn chàng xuống sâu hơn, đến những khu nhà có vườn cây xanh. Mỗi chủ nhà tự ý xây rào lấn ra phía trước hoặc thụt sâu vào trong, không cần tuân theo luật lệ áp dụng cho những khu có cửa hàng buôn bán. Ngô khựng lại băn khoăn, vì trước mặt có một lề đường quá hẹp, trong lúc con hẻm phía tay phải lại rộng và sâu hun hút. Chàng ngập ngừng không lâu rồi tiện chân rẽ phải. Lại có những bóng đen chận đường. Những câu hỏi. Chỉ cần lập lại những câu trả lời đã cũ. Ngô chỉ choàng tỉnh và nhận thức tình trạng nguy hiểm của mình khi thấy mình đang đứng ở một cái bến sông. Sức mạnh huyền bí nào đã đẩy ta tới đây? Con sông loang loáng phản chiếu ánh hỏa châu này đây, dải nước đen này đây là phân ranh giữa hai thế giới. Ta tới đây làm gì? Ta sẽ giải thích làm sao nếu bị bắt gặp?
Ngô cảm thấy lạnh run. Đầu không mũ. Áo sơ mi phong phanh. Tay không súng. Làm sao ta tới được đây? Càng tỉnh táo Ngô càng sợ. Chàng dáo dác nhìn quanh. Tuy đêm tối không cho phép nhìn rõ mục tiêu nhưng những tay súng hai bên cứ lâu lâu lại bắn hàng loạt qua bên kia sông, để nhắc nhở kẻ thù chớ dại dột lợi dụng đêm tối. Ngô chợt nghĩ: Hay ta liều bơi qua sông?
Ý nghĩ thoạt đến làm Ngô lùi lại, nhìn quanh. Có lẽ chưa có ai trông thấy mình. Có lẽ ai cũng tưởng mình thuộc về đơn vị có nhiệm vụ phòng thủ mặt sông này. Chỉ cần trầm mình xuống nước thật chậm, không gây tiếng động, rồi bơi ếch qua tới bên kia bờ, nằm im dưới một bụi lau bụi lách ven sông chờ sáng. Lặng lẽ, âm thầm, vô danh. Đâu có gì khó!
Ngô lại tiến gần mép nước. Sợ không đủ can đảm, chàng ngồi xuống, vịn vào một cây cọc nhúng cả hai chân xuống dòng sông dò độ sâu. Nước chỉ lên tới đầu gối! Ngô dùng chân phải dò thêm một bước nữa, độ sâu vẫn chừng ấy. Chàng yên tâm, bước tới để chuẩn bị trầm hẳn thân người lấy thế bơi. Đáy sông đột nhiên sâu hoắm. Ngô bước hụt, cả người chìm nghỉm, phải vội vã dùng hai tay quạt nước để trồi lên. Mặt sông đang im lìm đột nhiên náo động. Súng hai bên bờ sông đều nổ. Đạn rơi lõm bõm bên trái, bên phải, sau lưng, trước mặt. Ngô cố lội trở lại bờ cũ, run lập cập nhưng đủ tỉnh táo để hiểu tình thế nguy hiểm. Chàng trốn sau một hàng rào chè, nín thở không dám động đậy dù ngồi ngay trên một tổ kiến lửa. Bộ đội, du kích xách súng chạy rầm rập trước mặt Ngô, nhưng qua cách họ hỏi nhau, chàng biết họ chưa khám phá ý định trốn thoát của mình. Ngô ngồi chờ cho quần áo khô, nhưng chờ lâu quá, chàng mất kiên nhẫn, ra khỏi chỗ núp, liều lĩnh rời khỏi con hẻm ra đường cái.
Ngô gặp một vài rắc rối tra hỏi trên đường đi, nhưng cũng về lại được căn nhà cơ quan lúc một giờ sáng.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 95