Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện DàiĐường Một ChiềuĐường Một Chiều - Chương 7

Đường Một Chiều – Chương 7

( Đường Một Chiều – Chương 7 – Nguyễn Mộng Giác)

Tôi nôn nao chờ đợi cả buổi sáng, muốn dứt khoát một lần cho xong. Dây dưa mãi thêm phiền. Lũ trẻ chán nản không hiểu người ta kéo đến căn phòng ấy la hét, cãi vả nhau làm gì, bắt đầu thích ở nhà chơi với lũ trẻ hàng xóm hơn. Dọa không cho đi coi phiên tòa, bây giờ, có một phán ứng ngược lại. Nô vỗ tay reo: “Càng sướng. Em ở nhà đánh bi với thằng Nam bên kia đường” lúc Ly dọa như vậy để phạt cái tội không rửa tay trước khi cầm đũa. Ty cũng có một luận điệu tương tự, lại còn thêm lời phê bình: “Mấy cái ông đó cứ nói hoài, nói hoài. Nghe bắt chán”. Riêng Ly thì gần như con bé rã rời, bải hoải sau hai buổi căng thẳng dao động đến tột độ. Tối hôm qua, Ly ngồi khấn khứa gì đó trước bàn thờ má, gần suốt đêm. Hết khấn lại khóc. Tôi ngại ngùng không dám khuyên can, sợ động vào chiếc linh hồn mong manh như một chén sứ quí đã rạn của Ly. Vả lại tôi cũng có những nỗi ray rứt riêng.

Dù hết lòng thương yêu Thúy, mầm hoài nghi bắt đầu nhen nhúm đâu đây quanh tôi. Bộ mặt của đời sống, màu sắc của kỷ niệm, hình dáng của sự kiện bắt đầu xê dịch biến thái. Tại sao không? Không có lửa sao có khói? Chắc có cái gì đó, cái gì giống gương mặt của định mệnh, cái gì ở ngoài tầm tay, ở ngoài dự tính của Ninh, cái gì đủ mạnh lôi cuốn người lính hiền lành ấy vào cơn bão tố nhầy nhụa ghê tởm. Cái gì không thuộc về Ninh, mà cũng có thể là không thuộc về Thúy. Cái gì không thuộc về cõi thực mà cũng không hoàn toàn thuộc về cõi tưởng. Cái gì lơ lửng, bàng bạc, khi tụ lại thì thành mây đen u ám nhưng khi tan đi thì nhẹ còn hơn cả khói hương. Trạng thái hoài nghi ấy biến không khí căn nhà của tôi thành một vũ trụ bất trắc, bất an. Tôi bắt đầu lo lắng, sợ hãi, một xó tối là một hố sâu, một đốm sáng là một đốm lửa đủ hỏa thiêu cả thiên hạ. Một bước đi là một vấp váp. Từ cái giường, cái ghế, cái tủ, cái quạt đều trở thành những nhân chứng trơ trẻn luôn luôn đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt chế giễu tinh quái. Tôi nằm thao thức cả đêm, sợ hãi đến đổ mồ hôi khi nghĩ đến cuộc đời dài còn lại, khi mặt trời lại mọc bên kia mái ngói. Mọi sự hy vọng sẽ thay đổi, vì nếu không, tôi không thể nào chịu đựng được trạng thái ray rứt này. Phải chấm dứt. Phải xong cho nhanh, dù lợi cho mình hay hại cho mình.

Thành thử cả buổi sáng tòa đình xử, tôi lái xe một mình đi qua thành phố, chạy mãi chạy mãi không hiểu mình tìm cái gì. Mắt nhìn tới trước như nhìn một mớ hỗn mang thời khai thiên lập địa. Tai nghe, tay lái, chân đạp ga, đạp thắng, nhưng chỉ là do những thói quen thuần thành. Tôi đã lái ra ngoại ô, chạy băng qua một đồng lúa xanh. Gió mát và hương quê làm dịu đôi chút nỗi xao xuyến bồn chồn. Nhưng không nhiều. Rồi đến một vùng có dừa. Rồi xe qua mấy cái cầu. Rồi xe qua vài cái quán ngói sát quốc lộ. Xe đến một cây cầu ván quá hẹp, lính gác chỉ cho lưu thông theo một chiều. Bên kia hai ba chiếc xe chở hàng đang chậm rãi bò qua cầu. Bên này một dãy xe Lam nép bên đường chờ đợi. Một khoảng đất đỏ đủ rộng cho một vòng tay lái quay đầu xe trở lại. Tôi không thấy thích tiếp tục đi tới trước, thuận tay xoay hết vòng volant. Chiếc Jeep quay về trong lớp bụi mù và tôi tiếp tục bập bồng trôi nổi trong trạng thái vô định, hoang mang.

Phải chấm dứt. Phải xong cho nhanh! Ý nghĩ ấy kéo dài thêm buổi trưa chờ đợi. Hai giờ rưỡi thức dậy. Ty và Nô cương quyết không đi nữa. Ly hơi ngại ngùng. Tôi thấy không đủ can đảm chịu đựng, nếu không có Ly chiều nay. Tôi bảo:

– Không có con, ba không yên lòng.

Ly cảm động đến rơm rớm nước mắt khi nghe tôi tâm sự thành thật đến như vậy. Có lẽ những lần trước qua giọng nói, qua lối nhìn, Ly biết tôi xem Ly như một người bạn hơn là một đứa bé. Nhưng điều đó được lặng lẽ chấp nhận, không ai dám nói ra. Bây giờ, trong hoàn cảnh cấp thiết nguy hiểm cần nương tựa vào nhau, Ly mới nghe tôi nói thật nỗi yếu đuối của mình. Ly nói nhỏ:

– Con sợ.

Tôi hỏi, trong e dè ngập ngừng:

– Con sợ gì, Ly?

– Con sợ không chịu đựng nổi. Họ nói những điều ghê tởm, con không dám nghe nữa.

– Nhưng không có con thì ai thanh minh cho má?

– Còn có ba đó!

– Họ đâu có cần ba. Má chết khi ba ở xa. Con thấy đó, họ chỉ hỏi ba một vài câu không quan hệ. Tuy nhiều người ra làm chứng trước tòa, chỉ có con là chứng kiến sự việc nhiều hơn hết.

Ly đuối lý, đành phải đi. Chúng tôi đến tòa đúng ba giờ. Người dự khán rời rạc hơn. Cả mấy hàng băng phía sau, chỗ gần cửa ra vào trống trơn. Một vài người châu đầu vào nhau xem tờ nhật báo vừa phát hành. Họ bàn tán, họ tranh luận. Tôi biết họ đang so sánh những điều tai nghe mắt thấy và những bài tường thuật của phóng viên. Tôi cũng tò mò muốn biết họ đã tường thuật thế nào. Tín hỏi:

– Thiếu tá có muốn xem báo không?

Tôi sợ phải ôn lại những điều cay đắng, gạt đi:

– Không cần.

Tín nói:

– Phải lắm. Bọn nhà báo thêm mắm thêm muối quá nhiều. Thiếu tá xem chỉ thêm bực.

Mãi đến ba giờ rưỡi, ông chánh thẩm và phụ thẩm đoàn mới tới. Phiên tòa bắt đầu trong oi bức rã rời. Trung úy ủy viên chánh phủ bắt đầu làm phận sự công tố, giọng nói hơi mệt mỏi, bơ phờ:

– Thưa quí tòa, phiên tòa này đã kéo quá dài. Bao nhiêu mực đã đổ. Bao nhiêu giấy báo đã lãng phí cho các bài phỏng đoán hồ đồ. Phiên xử này, chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc mau chóng và kết thúc một vụ phỉ báng phi lý.

Vì thực sự, vụ án quá đơn giản. Một người vợ hiền một người mẹ của bốn đứa con thơ đã chết.

Ủy viên chánh phủ liếc xuống phía chúng tôi ngồi, ánh mắt hơi thất vọng khi thấy chỉ còn có tôi và Ly đi dự phiên xử án.

– … Băng tang còn đó trên cánh tay người chồng trên y phục đứa con gái lớn. Có lẽ cỏ đã mọc xanh trên mộ người bị nạn. Kẻ giết người cũng đã nhận tội ác của mình ngay từ lúc bị can tự nguyện đưa tay cho quân cảnh còng đêm ấy. Mọi sự quá rõ ràng: nạn nhân chết thật rồi, thủ phạm thú nhận thật rồi. Chỉ còn một câu hỏi duy nhất là: vì sao hạ sĩ Ninh đã giết bà Trần thị Thúy, vợ thiếu tá Lê văn Lộc?

Câu trả lời cũng quá rõ ràng. Tôi không dám dùng lời riêng, ý riêng pha phách thêm vào sự thật cho vụ án mờ thêm, tối thêm. Tôi chỉ biết kể trước tòa các sự kiện mà bị can hoặc nhân chứng đã khai hai hôm trước:

– Ngay từ đầu, ông Trần Viết Tích cha của bị can khai vì được mẹ nuông chìu, nên bị can hư thân mất nết.

– Chính bị can thú nhận chán nản mọi sự và đã bỏ nhà đi lính không một chút luyến tiếc, xúc động, dù là chút luyến tiếc xúc động của người con xa cha mẹ, chị em, quê nhà.

– Bị can trở thành thân thích của gia đình thiếu tá Lộc. Bị bạn bè đùa cợt gọi là ông chủ, gọi là thiếu tá trừ bị, ban đầu bị can khó chịu. Nhưng rồi những từ ngữ ấy chìm vào tiềm thức, nhiễm độc lương tâm. Đến một lúc không thể dằn được nữa, gặp cơ hội thuận tiện như thiếu tá Lộc bận hành quân phương xa, bị can tự hỏi: “Nhưng tại sao lại không thể được? Mình có thua gì đâu!”

Bị can khai vô tình mà gặp ba người ngoài phố nhưng bị can có toàn quyền từ chối uống rượu, toàn quyền chọn thứ giải khát thích hợp. Sự thật đã xảy ra khác: nghe Luật gợi lại nỗi ám hại quyến rũ, bị can lại đặt câu hỏi.

Bị can không dám trả lời. Và muốn dứt khoát bạo dạn, bị can chọn rượu không phải chọn bia. Thứ đó không đủ mạnh. Bị can đã chọn “đế”.

– Bị can lái xe chạy một vòng, rồi hai vòng, vì hơn ai hết bị can biết có thể lúc ấy lũ trẻ chưa ngủ say. Bị can không hiểu vì sao mình nôn nao. Dễ hiểu lắm: Chỉ vì bị can tự thấy không còn có thể chờ đợi được nữa. Đây là lúc thuận tiện nhất để thi hành ý định.

– Tuy thế, về đến nhà khoảng mười giờ mười lăm phút bị can vẫn còn e ngại lũ trẻ, nhất là bé Ly, chưa ngủ hẳn. Bị can thử lại lần chót bằng cách gọi nhỏ “Ly, Ly”. Bị can thấy Ly đã ngủ hoặc vừa ngủ vì chính bà Lộc ra mở cửa. Như vậy là an toàn trăm phần trăm.

– Bị can không một chút say sưa lúc vào nhà, vì tuy đèn điện nhà bếp không có, cầu thang gỗ chông chênh xiên xẹo bị can vẫn có thể chậm rãi bước lên căn gác ván.

– Lên trên gác rồi, bị can ngồi thừ một lúc, hoặc vì dầy vò hoặc vì lương tâm chợt thức giấc. Bị can muốn đi tắm cho hạ hỏa nhưng vì ác quỉ thắng thế, cho nên tuy không tìm ra xà phòng bị can vẫn vắt khăn lên vai đi xuống nhà. Bị can nghĩ, nếu bà Lộc có hỏi đi đâu vào giờ này, bị can sẽ bảo là định đi tắm và lên tìm cục xà phòng.

– Cuối cùng bị can đã dứt khoát thực hành âm mưu đen tối: vào phòng bà Lộc, lôi bà Lộc dậy, nắm tóc kéo ra khỏi phòng để tránh cặp mắt của lũ nhỏ. Bà Lộc chống cự dữ dội nhất định không cho bị can thỏa mãn thú tính. Tức giận, bị can đi xa hơn, đánh đập, bóp cổ, giết chết bà Lộc, người hết lòng đùm bọc thương yêu bị can như một người chị hiền lành hết lòng đùm bọc thương yêu đứa em nhỏ.

Thưa quí tòa, diễn tiến sự kiện quá rõ ràng. Bị can là một kẻ bạo dâm, một kẻ giết người với đầy đủ sự bình tĩnh để xếp đặt âm mưu, để thi hành toan tính. Một tội phạm như vậy thì không còn có chút bóng mờ nào để hoài nghi nữa. Không tìm đâu xa để định rõ tội. Chỉ có bốn chữ: hiếp dâm – cố sát. Và thêm ba chữ: với dự mưu. Một tội trạng như vậy, xã hội đã dành sẵn cho hai chữ để trừng phạt: tử hình.

Trung úy dừng lại đột ngột làm cho cả phòng xử chưng hửng. Tôi đã lầm. Cái giọng rã rời thờ ơ chỉ là một lối ngụy trang. Càng ngày trung úy càng to tiếng. Câu nói ngắn. Giọng dằn từng nhịp gấp. Chất chát và đắng, hơi nồng cuồng nộ tràn đầy trong từng lời, cuốn hút mọi người . Tôi vui mừng gặp được một công tố viên xuất sắc. Lập luận vững chãi, sắc bén, dường như chinh phục được ông chánh thẩm và phụ thẩm đoàn, vì trong lúc cả phòng xử bàn tán xôn xao, ông chánh thẩm cũng lăng xăng bàn luận với bốn trung úy phụ thẩm.

Mãi mười phút sau, hội trường mới tạm lắng dịu để lắng nghe lời biện hộ của luật sư. Tôi đã quá quen với đôi mắt nhìn đầy căm hờn ném về đám đông, quá quen với cái giọng cộc cằn ác ý của ông ta.

Ông ta chỉ có căm thù. Ông rán hết sức bôi đen đời sống, phá đập cho nhân gian chìm ngập trong trận đại hồng thủy tội ác. Thấy luật sư đứng lên, tôi nhìn Ly lo lắng. Tôi nghĩ con bé chắc vui lắm khi nghe ủy viên chánh phủ đề cao hình ảnh Thúy. Nhưng tôi ngạc nhiên hết sức. Ly buồn hiu, mắt còn đỏ, tôi hỏi:

– Con lo phải không? Hắn không làm gì được đâu. Lập luận của bên công tố vững như núi.

Ly nhìn về phía Ninh, lúc ấy đang đứng ngơ ngác, lạc lõng trước vành móng ngựa. Tôi nhìn theo ánh mắt Ly. Ly nói:

– Trông anh ấy thật tội. Con không tin ở tai mình nữa. Có thật anh ấy giết má không ba?

Tôi không biết trả lời thế nào. Quả thật Ly nói đúng. Không ai có thể ngờ được cậu thanh niên nhu mì hiền lành trên hai mươi tuổi đó có thể phạm tội ác phi luân ghê tởm đến như vậy. Luật sư đến, cúi người hỏi Ninh cái gì đó. Ninh ngước lên trả lời rồi tiếp tục nhìn bàn tay mình. Luật sư hỏi lại, Ninh gật đầu lần này không ngước lên nữa. Luật sư bắt đầu nói:

– Chúng tôi đồng ý với trung úy ủy viên chánh phủ là vụ án này kéo dài quá lâu rồi, nhưng chúng tôi không đồng ý với ủy viên chánh phủ có một điều: trung úy không có liệt kê sự kiện, mà đã giải thích các sự kiện theo một chủ ý có sẵn. Sự kiện bao giờ cũng phức tạp, mâu thuẫn, đa dạng. Có một định kiến, rồi chạy đi nhặt nhạnh các sự kiện thích hợp để lắp vào cái khuôn luận lý, điều đó không mấy khó khăn. Với một chút thông minh và khéo léo, người ta có thể minh chứng được tất cả mọi định kiến. Một sử gia đã nói vậy. Tôi không dám nhận là thông minh và khéo léo hơn trung úy ủy viên chánh phủ, nhưng tôi cũng xin mạo muội trình bày trước tòa một bản liệt kê khác để, để…

Nói đến đây, luật sư dừng lại, lém lỉnh nhìn về phía ủy viên chánh phủ rồi lớn tiếng nói:

– Để không phải minh chứng cho một định kiến mà để làm sáng tỏ một sự thật não lòng.

Luật sư lại dừng. Ông chậm rãi trở lại bàn, chậm rãi mở cặp lấy ra cuốn sổ tay. Trở lại chỗ trước bục xử, luật sư nhìn vào cuốn sổ đọc:

– Bị can đã khai rằng mình bỏ nhà tòng quân diệt giặc lúc mười bảy tuổi, không phải chán học mà vì khao khát đi tìm cái gì cao rộng, phóng khoáng đẹp đẽ hơn là cuộc sống thu hẹp gò bó hằng ngày. Quí tòa có thể kết tội khát vọng tội nghiệp đó chăng!

– Bị can được thiếu tá Lộc thương yêu bảo bọc, không phải vì nịnh bợ mà vì tư cách đạo đức và kiến thức. Vì là người đạo đức, bị can không bao giờ quên được cái ơn lớn lao mình mang với thiếu tá.

– Bị bạn bè trêu chọc một cách bỉ ổi, bị can rất khó chịu, nhưng đành vì tình bạn bỏ qua. Đến lúc rượu vào lời ra, lời nói đùa đi quá trớn, bị can không thể chịu đựng được sự phi luân, nên đã bỏ về. Một người biết tự trọng và tự kiềm chế như vậy quí tòa có thể kết tội được chăng!

– Biết bà Lộc rất ghét chuyện rượu chè vì không muốn làm phiền bà vợ ân nhân của mình, bị can đã cố ý lái xe đi vài vòng cho hơi rượu loãng đi.

– Đến lúc về nhà, cũng vì sợ làm phiền bà Lộc bị can chỉ dám kêu nhỏ, nhờ cô bé Ly mở cửa giùm. Phòng khách phía trước, ban đêm không ai ngủ. Nhưng căn phòng của Ly ở sát ngay phòng khách, chỉ cần kêu khẽ, Ly sẽ nghe và dậy mở cửa. Thật vậy, tối hôm ấy Ly nghe rõ tiếng kêu bị can, nhưng Ly vừa định nhỏm dậy, thì bà Lộc đã vội vàng hối hả tranh ra mở trước.

Tôi khó chịu khi nghe luật sư bắt đầu dùng những lời xuyên tạc đầy ác ý. Ông ta giả vờ đọc, như một đứa trẻ học bài nhưng ai cũng biết là ông ta làm vậy để che giấu cái tài ngụy biện xuyên tạc. Lúc ấy cả phòng bắt đầu ồn ào bàn tán, ông chánh thẩm phải dùng búa đập liên hồi lên bàn, người ta mới chịu giữ im lặng. Vẫn với nụ cười ngạo mạn trên môi, luật sư đọc tiếp:

– Cửa mở bị can thấy bà Lộc mặc áo lụa lèo nhàu nhò có thể là vì vội vàng bà Lộc quên cài vài hột nút.
 Rồi bị can nghe bà Lộc hỏi thật dịu dàng: Sao bây giờ em mới về.

– Bị can lí nhí xin lỗi, bước vào nhà, bà Lộc không để cho bị can gài chốt cửa, như một bà chủ, như một người lớn, như một kẻ cả đã làm vậy trong trường hợp bị kêu cửa phiền phức như vậy. Thay vì để mặc cho bị can đóng cửa, còn mình thì trở về phòng ngủ tiếp, bà Lộc lại tự mình đóng cửa. Cử chỉ ấy gợi rất nhiều ảnh hưởng, đó là cử chỉ thân mật mời gọi, mà cũng có thể là cử chỉ suồng sã. Các chàng trai độc thân như bị can trong những lần theo bạn theo bè phóng túng chắc nhiều lần đã thấy cảnh gợi ý ấy.
Bên dưới có nhiều tiếng cười, rồi như một cơn bệnh truyền nhiễm cả phòng cười nói ồn ào một cách thô bỉ. Máu nóng bốc lên làm đôi mắt tôi giật, mí mắt nặng. Tôi đo lường khoảng cách giữa tôi và tên luật sư. Nếu tôi ở mặt trận với khẩu súng chắc chắn trăm phần trăm hắn không có thể nhởn nhơ đùa cợt như thế này. Hắn không chờ cho phòng xử im lặng, lớn tiếng đọc tiếp:

– Bị can lên phòng, ngồi chết lặng một lúc vì không thể ngờ bà Lộc lại có những cử chỉ như vậy. Bị can cũng bị cám dỗ như mọi người như tất cả loài người nhẹ dạ yếu đuối này, bị can muốn đi tắm. Dù không có xà phòng cũng cứ đi tắm để rửa sạch cám dỗ.

– Nhưng vừa xuống khỏi chân cầu thang, bị can đã thấy cửa ngăn phòng trên với nhà bếp mở sẵn, khác hẳn lệ thường.

– Và cả cánh cửa vào buồng cũng mở sẵn. Bị tò mò lôi cuốn, bị can vào phòng. Bị can đá một chiếc guốc. Bà Lộc choàng thức. Nhưng một người sảy thức như bà Lộc thì vừa tỉnh táo mở cửa cho bị can mười phút trước đó không dễ dàng gì ngủ say ngay mười phút sau. Bà Lộc vẫn còn thức và chắc chắn nghe rõ bước chân bị can xuống thang, bước chân qua cửa bếp, chắc chắn chờ bị can vào phòng. Biết thế, ta mới không ngạc nhiên khi nghe bị can khai là lúc xô bị can, bà Lộc không la lối gì. Mãi tới lúc hai đứa nhỏ thức, bà Lộc mới la.

Cả phòng lại cười ồ. Không dằn được nữa, tôi đứng bật dậy, cả Ly cũng đứng lên. Phòng xử ồn ào hơn, không ai thèm nghe tiếng búa của chánh thẩm. Nước mắt tôi tràn ra, và như mọi lần tức giận quá, tôi muốn nói mà lưỡi cứ líu lại môi run không nói được gì. Ly thì chỉ biết khóc, trong lúc tuyệt vọng tôi nghe tiếng ai hét lớn:

– Nói láo, ông chỉ biết nói láo.

Tiếng búa của chánh thẩm quá lớn, cả hội trường chợt nhớ đến uy quyền của luật pháp, vội vàng giữ mồm giữ mép. Nhưng lúc bấy giờ tuy bị hai người quân cảnh nắm chặt hai cánh tay lại, Ninh vẫn cố nhướng cổ la tiếp:

– Ông nói toàn chuyện láo khoét. Chính tôi muốn hiếp dâm, chính tôi giết chết bà thiếu tá. Không cần ông cãi cho tôi nữa, tôi nhận hết mọi tội, đủ rồi.

Tôi bàng hoàng đến sững sờ, không ngờ Ninh đã nói như vậy trước tòa. Nhìn Ninh đau khổ, tức giận đến quằn quại giữa hai người quân cảnh, tôi cảm thấy thương xót tràn trề. Thương xót Thúy. Thương xót mình, thương xót Ly và cả thương xót Ninh. Tôi tìm lại được cậu em hiền hòa chất phác ngày trước, trong cái bộ dạng phẫn nộ cùng cực này.

Trung úy ủy viên chánh phủ không chờ phép chánh thẩm, nói với luật sư:

– Tôi xin phản đối, không ai được lợi dụng quyền biện hộ để bôi nhục danh dự một người đã chết. Không ai biết rõ hành động của mình bằng chính thủ phạm. Thủ phạm đã lớn tiếng nhận tội mưu sát, hiếp dâm trước tòa, phần biện hộ coi như vô ích.

Luật sư cũng không vừa:

– Không vô ích chút nào. Thân chủ của tôi buột miệng la lên như vậy vì ở trong một trạng thái phẫn kích, yếu đuối tuyệt vọng. Phận sự của luật sư là bảo vệ cho những người yếu đuối, phẫn kích, tuyệt vọng đó. Luật pháp không thể thẳng tay đối với những kẻ bệnh hoạn, điên loạn. Và thưa quí tòa, thân chủ của tôi gần như phát điên, xin tòa cho tôi tiếp tục phận sự.

Không khí phòng xử căng thẳng. Tôi có cảm tưởng một sợi dây vô hình nào đây sắp đứt và sau đó là bão cuốn, là hỗn mang. Mọi người chờ đợi phán quyết của ông chánh thẩm. Ông chánh thẩm, quá quen thuộc với những trường hợp quá gay cấn như lúc này, bình tĩnh thảo luận với các phụ thẩm hai bên. Họ bàn luận khá lâu, cuối cùng chánh thẩm nói:

– Tòa chấp thuận để cho luật sư biện hộ tiếp.

Cả phòng ồ lên kinh ngạc. Sợ làn sóng phản đối bất lợi cho mình, ông chánh thẩm vội vã gõ búa để giữ trật tự. Luật sư mỉm cười đắc thắng. Ly nắm tay tôi kêu khẽ:

– Ba.

– Không sao đâu Ly.

– Con muốn về.

Tôi không thể trả lời được trong lúc này, dù sao tôi vẫn còn tò mò muốn biết lão luật sư còn dở trò gì nữa. Tôi giữ cánh tay Ly lại, lập lại câu nói lúc nãy:

– Không sao đâu con, cứ ở lại với ba.

Luật sư điềm tĩnh tiếp tục biện hộ:

– Thân chủ của tôi, nếu căn cứ vào bản liệt kê sơ sài khách quan vừa rồi, chỉ là nạn nhân của một cái bẫy tình. Nhưng điều đó chưa bi thảm cho bằng điều này. Hôm qua tôi có thử một bài toán cộng và quí tòa phán rằng tôi đã dài dòng vô ích. Tôi không bao giờ dám dài dòng phí phạm thì giờ quí báu của quí tòa. Nạn nhân chỉ còn có không đầy 5 phút để bị nạn, trong lúc bác sĩ xác nhận muốn bóp cổ một người cho chết hẳn mất từ hai mươi phút đến nửa giờ.

Như vậy thì sao không nghĩ đến giả thuyết: nạn nhân trong cơn xúc động và xô xát đã đột ngột lên cơn đau tim và chết bất thình lình, thân chủ của tôi không biết rõ vì mình đã làm gì mà bà Lộc chết và thân chủ của tôi khi thấy thân hình bà Lộc mềm nhũn, đầu nghẻo xuống, đã tưởng mình là kẻ sát nhân. Thực ra bà Lộc đã lên cơn động tim đột ngột.

Cuộc đời thăng trầm và những sóng gió bất thường về tình cảm của bà Lộc đủ để gây nên căn bệnh ấy.

Để xác nhận thêm các sự kiện vừa kể, tôi xin tòa cho phép một nhân chứng quan trọng ra cung khai những yếu tố mới.

Nghe đến đây, cả thành phần xử án lẫn người dự khán đều ngẩn ngơ. Tôi tự hỏi: nhân chứng nào nữa? Có một kẻ trộm chứng kiến tận mắt vụ giết người này chăng? Ông chánh thẩm thắc mắc hỏi:

– Luật Sư muốn đưa nhân chứng nào? Có cần thiết lắm không?

Luật sư lục trong cặp tìm kiếm một lúc lấy đưa lên cho ông chánh thẩm một cái bìa xanh đựng giấy tờ. Trong lúc ông chánh thẩm mải miết xem, luật sư cúi xuống nói gì với Ninh. Ninh lắc đầu, nét mặt bất mãn đến phẫn nộ. Luật sư bỏ Ninh, đến đứng nghiêm chỉnh trước bục xử, kiên nhẫn chờ đợi. Ông chánh thẩm xem xong, đưa cho viên phụ thẩm phía trái. Ông hỏi:

– Luật sư xin tòa cho nhân chứng Dương Đình Cát khai trước tòa phải không?

Luật sư chưa trả lời thì ủy viên chánh phủ đã phản đối:

– Lời yêu cầu của luật sư trái với thủ tục của tòa án. Tôi xin phản đổi.

Ông chánh thẩm gật đầu ghi nhận ý kiến trung úy công tố viên, nhưng vẫn tiếp tục hỏi luật sư:

– Luật sư khai ông Dương Đình Cát là chồng trước của nạn nhân, lấy gì làm bằng chứng?

Câu hỏi của ông chánh thẩm làm cho tôi giật mình, tưởng trời đất đảo điên. Người chồng trước của Thúy còn sống hay sao? Sao không bao giờ Thúy nói điều đó với tôi cả? Đến Ly, tôi thấy con bé cũng ở trong trạng thái hoang mang chưng hửng như tôi. Còn cả phòng xử thì xôn xao hơn bao giờ hết. Nhiều người đã tự động đứng lên chờ xem nhân chứng mới như chờ xem một quái thai. Tôi bứt rứt không thể ngồi im, nhấp nhỏm chờ lời giải thích của luật sư. Biết mọi người nóng ruột, luật sư chậm rãi nói:

– Thưa ông chánh thẩm, bằng chứng có đầy đủ. Giấy khai sanh của bé Ly với đầy đủ tên cha Dương Đình Cát và tên mẹ Trần thị Thủy. Nơi sinh, ngày sinh rõ rệt, quí tòa có thể kiểm chứng bằng sổ hộ tịch. Bức ảnh kèm theo chụp hai vợ chồng đang bồng bé Ly. Phía sau có câu ghi chú: kỷ niệm ngày bé Ly được 6 tháng. Tờ giấy thứ ba là bản photocopy thẻ căn cước của ông Dương Đình Cát. Tờ giấy thứ tư là bản sao bức thư bà Thúy gửi cho ông Cát, trách tại sao không về, than khổ không có tiền làm thôi nôi cho con bé. Bản sao có thị thực của tòa hành chánh.

Ông chánh thẩm lại thảo luận với bốn phụ thẩm, để mặc cho phòng chánh thẩm gõ búa rồi tuyên bố:

– Tòa chấp thuận lấy cung ông Dương Đình Cát.

Luật sư xoa tay thỏa mãn. Hai người quân cảnh vội đến trước vành móng ngựa dẫn Ninh trở lại chỗ băng gần phía phải. Một người đàn ông trạc 40 tuổi mặc áo Montaigu màu nâu từ phía sau lững thững lên phía trước. Tôi chăm chú vào khuôn mặt người lạ. Gương mặt gầy, môi thâm như gương mặt một người nghiện. Thân hình hơi ốm nên chiếc áo bóng láng đáng lý bó sát lấy thân thể lại rộng thùng thình. Hơn nửa phòng xử đứng hẳn dậy nhìn nhân chứng mới.

Lúc lên gần chỗ luật sư, ông Cát dừng lại cố dằn cơn ho, rồi tiếp tục tiến tới. Ông chánh thẩm hỏi:

– Ông là Dương Đình Cát?

Giọng người đàn ông khao khao, phát âm thật khó nhọc.

– Vâng.

– Ông có bà con gì với bị can không?

– Dạ không.

– Nhân chứng hãy giơ tay thề nói sự thật không sợ hãi vì áp lực.

Ông Cát chỉ giơ tay phải lên cao một chút, rồi vội vàng bụm miệng lại ho, chưa kịp nhắc lại lời thề.

Ông chánh thẩm hỏi:

– Ông xác nhận một lần nữa trước tòa. Ông có phải là chồng trước của bà Trần thị Thúy không?

– Dạ tôi xác nhận.

– Hai vợ chồng lấy nhau sao không có hôn thú?

– Dạ chúng tôi định làm thì vì công việc làm ăn, tôi phải đi xa chưa làm kịp.

– Sao bà Thúy trách ông không về thăm, cũng không gửi tiền về.

Nhân chứng cao giọng:

– Lúc đó nó thiếu gì tiền mà còn đòi tôi cung phụng nữa. Nghề hốt bạc mà.

Ông chánh thẩm hỏi gấp:

– Nghề gì mà hốt bạc?

– Làm vũ nữ đông khách sộp, tiền dành dụm không biết bao nhiêu. Nghỉ vài tháng có mang con Ly, đâu đã tiêu hết.

Bên cạnh tôi, con Ly không thể dằn được nữa, nức lên khóc. Tôi vội ôm lấy con bé. Tôi không ngửng mặt nhìn lên nữa. Chung quanh tôi người ta cười nói xôn xao. Đột nhiên phía sau lưng tôi có ai hét lớn:

– Ê, coi chừng!

Tôi giật mình ngửng lên. Cả tòa án náo loạn. Ninh vừa đứng bật dậy nhanh nhẹn thoát khỏi hai người quân cảnh, phóng mình chồm tới chụp lấy cổ Dương Đình Cát. Sức phóng quá mạnh làm cho cả Cát lẫn Ninh ngã dài trước bục xử, và Ninh tiếp tục xiết chặt hai tay lên cổ người chứng. Cả luật sư, lính quân cảnh, thiếu úy lục sự và vài người dự thẩm cũng bu lại gỡ hai người ra. Ninh vùng vẫy, miệng không ngớt la hét:

– Tao giết mày, tao giết mày, thằng sở khanh đểu giả.

Ninh bị bốn người quân cảnh khiêng bổng lên khỏi mặt đất đưa ra cửa hông. Trong cảnh hổn loạn ồn ào, Ly đứng dậy bỏ chạy ra cửa chính. Tôi không biết làm gì hơn là chạy theo Ly, vì không còn gì ý nghĩ nữa, trong tất cả hình ảnh, màu sắc, cử động, âm thanh quanh đây. Tôi căm hờn mọi người, tôi thù ghét đời sống. Tôi chụp lấy vai Ly, nâng bổng con bé bỏ vào xe rồi giận dữ đề máy. Chạy được một khoảng xa, đủ xa để không nhìn thấy phòng xử, không nhìn thấy mặt người chỉ có mặt đất, bóng cây, bầu trời, chim chóc, tôi dừng lại. Cả Ly và tôi ngồi lặng, chết điếng đến độ không còn gì để nói. Khi nghe Ly khóc thút thít, tôi gắng lắm mới nói được một câu:

– Ba cũng như con mà thôi. Mà biết làm sao bây giờ.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4506

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây