Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnPhê BìnhĐọc "Con Nữ" - Tập Truyện Của Đỗ Quỳnh Giao

Đọc “Con Nữ” – Tập Truyện Của Đỗ Quỳnh Giao

Trước 1975, là một nhà giáo tỉnh lẻ, tôi ít có cơ may quen thân với hai nhà văn đàn anh Mai Thảo và Nghiêm Xuân Hồng. Sang Mỹ, Little Saigon là một khu tập trung đông đảo nhất những khuôn mặt văn nghệ Sài Gòn cũ trong một diện tích gần bốn dặm vuông, tất cả đều trở thành láng giềng gần gũi. Nhờ thế, tôi được nhiều dịp tiếp đón cả hai nhà văn ở nhà, những dịp cuối tuần. Cả hai vị đều trải qua tuổi già trong cảnh độc thân. Mai Thảo suốt đời không lập gia đình, về già sống một mình trong một căn chung cư ngay trên phố Bolsa. Nghiêm Xuân Hồng sống với vợ chồng con trai, nhưng các con bận việc làm ăn, ông phải tự lo lấy mọi việc. Những buổi chiều cuối tuần ở căn nhà đường Strait của chúng tôi là dịp hai vị được ăn một bữa cơm nóng, chuyện vãn với bạn bè lớp trẻ trong không khí ấm cúng gia đình, để những ngày còn lại sống tiếp cuộc sống cô đơn.

Dĩ nhiên cả hai vị đều tuổi già sức yếu, bệnh hoạn thường xuyên. Một lần nhà văn Mai Thảo làm bài thơ Dỗ Bệnh để đùa với nỗi bận tâm khó chịu của mình:

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho.
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng.

 

Quả tình Mai Thảo rất thanh thản gối tay lên bệnh. Sức khỏe ông ngày càng yếu, ăn không được bao nhiêu, ngủ càng ít; bạn bè giục ông đi khám bệnh, ông phớt lờ. Cho đến lúc bệnh không “thân” với ông nữa. Bạn bè anh em phải đưa ông vào nhà thương. Cả năm trời, ông nằm yên một chỗ, ăn bằng máy, thở bằng máy, thân thể ràng buộc chằng chịt dây nhợ. Ai đến thăm, ông vui mừng ra mặt, nhưng không nói được những điều thân ái muốn nói, phải bút đàm. Ông mất khi kiệt sức và máy móc cũng bất lực.

Trước cảnh tượng phải vào nhà thương, chịu giải phẫu và sau đó bị cột chặt vào giường bệnh cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng của Mai Thảo, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng thường tâm sự là ông sẽ không dại dột như Mai Thảo. Ông không để cho “bọn đồ tể” trong y giới làm tình làm tội thân thể ông. Ông nhất định không đi nhà thương dù thú nhận rằng mỗi sáng thức dậy, ông có cảm giác như đang sống trong địa ngục. Hình như có hàng vạn con trùng đang gặm nhấm khắp cơ thể ông, máu trong người ông như lên cơn sôi. Phải nằm im cả buổi sáng, đến trưa ông mới cảm thấy bình thường, và buổi chiều tìm cách đi thăm người này người nọ để bớt thấy cô đơn. Về già, Nghiêm Xuân Hồng càng mê đạo Phật. Ông viết sách về Phật giáo, lâu lâu đi giảng kinh Phật ở các chùa. Một lần, chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khoẻ của ông. Ông bảo không có đề tài nào đáng viết hơn là bệnh hoạn và cái chết. Ông biết như thế, nhưng không còn đầy đủ sức khoẻ và hứng thú để viết. Ông khuyên lớp nhà văn trẻ (trẻ hơn tuổi Nghiêm Xuân Hồng mà thôi!) nên chú tâm viết về các đề tài này. Chúng tôi không dám lên tiếng phản bác ý kiến của ông, nhưng trong lòng nghĩ chuyện đời sống (sinh) còn chưa viết hết, làm sao có thì giờ nghĩ tới lão, bệnh, tử.

Rồi đến lượt nhà văn Nghiêm Xuân Hồng ra đi. Khác với Mai Thảo, ông ra đi đột ngột, có thể nói là chủ động ra đi một cách nhẹ nhàng. Buổi sáng thứ bảy hôm đó, người bạn thường chở Nghiêm Xuân Hồng đến nhà chúng tôi mỗi chiều cuối tuần điện thoại cho chúng tôi, giọng hối hả, báo tin nhà văn đang mệt nặng. Ông vừa thều thào điện thoại cho anh, bảo phải đến gấp vì ông khó thở. Nhưng anh ấy không có xe, nên nhờ chúng tôi đến nhà xem tình hình sức khoẻ cụ Hồng ra sao. Chúng tôi đến, và thấy Nghiêm Xuân Hồng nằm một mình trong cái buồng con bề bộn đồ đạc của ông, dáng vô cùng mệt nhọc. Ông cho biết lúc nãy gần như không thở được, bây giờ đã khá hơn. Chúng tôi đề nghị gọi xe cấp cứu đưa ông đi nhà thương. Ông ngần ngừ, nhưng cuối cùng chấp thuận cho chúng tôi gọi 911. Một người bạn đồng thời cũng điện thoại báo tin cho con trai ông. Trong khi chờ đợi, ông bảo chúng tôi cất giùm khẩu súng ông để ở hộc bàn viết. Biết chúng tôi thắc mắc, ông giải thích lúc nãy mệt quá, định với tay lấy súng chấm dứt cuộc đời mình cho nó xong đi, nhưng sức quá yếu, không với tay mở hộc bàn được. Rồi người con trai về, và xe cấp cứu đến. Bác sĩ bảo mạch tim ông quá thấp, phải ở lại nhà thương để theo dõi và chữa trị. Ông nhất quyết đòi về. Nhà thương đành để ông về sau khi làm một số thủ tục để tránh trách nhiệm bất cẩn nếu bệnh nhân có mệnh hệ gì. Nghiêm Xuân Hồng trở về căn phòng mình, có vẻ đỡ hơn, bảo con đi mua cháo. Người con mua cháo về, ông bảo để đó, ông nằm nghỉ một chốc đỡ mệt sẽ ăn. Mọi sự có vẻ bình thường. Sáng hôm sau, gia đình khám phá ông đã qua đời trong đêm.

Cái chết của hai nhà văn đàn anh để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Để lại rất nhiều câu hỏi. Trong suốt một năm dài nằm dính vào giường bệnh, thân thể bất động nhưng thần trí vẫn tỉnh táo sáng suốt, nhà văn Mai Thảo đã nghĩ gì? Nếu ông nói được hay viết được những suy nghĩ của ông trong thời gian đó, ông có “gối tay lên bệnh nằm thanh thản” được không? Tại sao nhà văn Nghiêm Xuân Hồng đã có lúc nghĩ tới chuyện dùng súng quyên sinh để thoát bệnh? Quyết định không thành ấy là sáng suốt hay do một phút yếu lòng? Ông đã cảm gì, nghĩ gì trong đêm thứ bảy lặng lẽ từ biệt cõi đời?

Nếu nhà văn Nghiêm Xuân Hồng còn sống đến hôm nay, tôi có thể vui mừng thưa với ông là có một nhà văn nữ ở Pháp viết về cái bệnh, cái chết một cách vô cùng tế nhị, tỉ mỉ và sâu sắc, trước đây chưa ai viết được như thế: nhà văn Đỗ Quỳnh Dao, với tập truyện ngắn đầu tay này.

Mười truyện ngắn của Đỗ Quỳnh Dao trong tác phẩm này là nỗi đau đớn da diết, nỗi lo bàng hoàng của mười bệnh nhân khác nhau về tuổi tác, chủng tộc, địa vị xã hội, bệnh trạng…nhưng mười bệnh nhân ấy có cái may gặp được một người bạn quí chẳng những biết chia sẻ nỗi đau thể xác và tinh thần của họ, mà còn có khả năng sử dụng một thứ tiếng Việt chuẩn xác để diễn tả những nỗi đau phức tạp ấy. Do bệnh, họ trở thành những đứa bé yếu đuối. Đỗ Quỳnh Dao ân cần lo lắng cho họ, xót xa cùng cơn xót xa của họ, băn khoăn cùng nỗi băn khoăn của họ. Bằng một ngòi bút mô tả cảm xúc và phân tích tâm lý vô cùng tinh tế, Đỗ Quỳnh Dao khiến tôi có cảm tưởng chính chị trải qua hết hoàn cảnh của mười bệnh nhân trong tác phẩm. Chị vừa là bệnh nhân vừa là những đứa bé đang cần lòng yêu thương của mẹ hiền. Đọc đoạn văn:

“Bà lão nằm nhỏ thó như đứa trẻ, gò má hóp dán vào xương và hố mắt nhắm hõm sâu vào. Trên đầu vài chùm tóc bạc vắt lơ thơ trên gối. Dưới hai cánh mũi nhấp nhô, sợi dây nhựa tiếp oxygène ghim phập vào như cái chĩa hai lòng thòng chiếc đuôi màu trắng đục. Một vết lở dọc nơi chân trái rỉ nước vàng chung quanh miếng băng keo hút mủ. Còn lại chỉ nhúm da khô rốc như bị vắt ráo đang bọc những khúc xương nối liền” (Sau cô, cơn bão sóng)

Tôi tưởng như được nhìn trở lại hình ảnh nhà văn Mai Thảo ở nhà thương Los Angeles hai tháng trước ngày ông từ trần. Hôm đó nếu không có tấm bảng ghi tên QUI NGUYEN (tên thật của Mai Thảo) treo trước giường bệnh, chắc tôi không tin cái hình hài nhỏ thó queo quắt như một đứa bé kia là Mai Thảo. Tôi không thể mô tả ông đúng hơn, gợi hình gợi cảm hơn cách Đỗ Quỳnh Dao tả bệnh nhân của chị. Và ngay cả câu hỏi liệu Mai Thảo có thanh thản gối tay lên bệnh bạn bệnh thân như lời thơ của ông hay không, Đỗ Quỳnh Dao cũng trả lời được một cách chính xác, rạch ròi. Tôi có cảm tưởng chị nói thay cho Mai Thảo:

Chung quanh tôi, là những xác chết còn tươi, những bộ xương biết cử động, những mái tóc giả đội xộc xệch, những hố mắt sâu quắm, những cái nhìn cam chịu buông xuôi, những nét mặt nhớn nhác lơ láo. ở đây cái bất thường không phải là chiếc đầu trọc lốc mà là mái tóc dày rậm. ở đây cái quen thấy không phải là gương mặt hồng hào ánh mắt tinh anh mà là gương mặt xanh mét ánh mắt lạc thần. Tôi mệt quá, tôi đau quá. Tim tôi mới 34 tuổi mà sao thoi thóp muốn ngừng, phổi tôi mới thở 34 năm mà sao nhọc nhằn muốn tắt. Thuốc chống đau chỉ ngăn được phần nào trận bão sóng dìm tôi vô cơn đau tận cùng xương tủy, nhưng không nhốt được những đợt sóng nhỏ đang âm ỉ quất roi trên tôi. Người tôi nát nhừ như bị dần trong cối, cái chày đá liên tục nện xuống giã tôi ra lụn vụn. Đừng bắt tôi uống thuốc, đừng bắt tôi chích thuốc, đừng bắt tôi vô hóa chất, tôi không muốn làm gì nữa, miệng cứ buốt lở, bạch huyết cầu cứ ra đi, xương thịt cứ bị đục ruỗng, tôi đầu hàng tôi chịu thua tôi bỏ cuộc. Tôi không chống đối nữa, vì Bệnh ở trong tôi lâu ngày Bệnh ở với tôi lâu tháng, Bệnh đã trở thành bạn-bạn bất đắc dĩ-, Bệnh cùng ăn với tôi, cùng ngủ với tôi, cùng thở với tôi và sẽ cùng đi với tôi. Hãy để tôi nằm yên, để tôi ngủ say, ngủ say một giấc dài (Sợi tình).

Xưa nay trong văn chương Việt Nam người ta có khuynh hướng muốn né tránh cái bệnh, cái chết. Nếu chuyện bất đắc dĩ không thể khác được, tác giả bắt buộc cho nhân vật chính mắc bệnh, thì căn bệnh ấy hoặc ập đến bất ngờ “giải quyết mục tiêu” chóng vánh, hoặc mang dáng vóc siêu hình của Định Mệnh. Bệnh mà không hẳn là bệnh, nó gọn ghẽ, và đôi khi cần thiết cho câu chuyện lãng mạn thăng hoa. Ngay cả những bệnh nan y một thời như bệnh lao. Đọc Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, người ta chỉ nhớ một cô Tố Tâm mình hạc xương mai mệnh yểu chứ không nhớ nàng như một bệnh nhân lao phổi. Bệnh nan y (càng nan y càng tốt) góp phần vào tình tiết bi thương lãng mạn của tiểu thuyết. Bệnh không còn là một mối đe dọa, một tai ách, một cơn tàn phá phũ phàng… Bệnh là một “sự cần thiết”. Trong truyện ngắn của Đỗ Quỳnh Dao, bệnh là bệnh, nhìn ngắm quan sát không qua các biểu đồ hay bệnh án chuyên môn của y giới, mà qua lòng thương xót xa của một ngòi bút mẫn cảm.

Hắn trống hoác như cái xác không hồn. Cái xác tươi ấy thờ ơ với hiện thực, ăn mà không biết mình ăn gì, làm mà không biết mình làm gì, chỉ biết ngày qua ngày tụt dần vô trong một không gian khép chặt: không gian của cô đơn và buông thả. Nơi đây, hắn nằm co quắp như con cuốn chiếu, để mặc cho nỗi chán chường trải rộng ra trùm kín mít. Không dùng dằng ray rứt, không băn khoăn khắc khoải, mà chỉ bải hoải rã rượi, bạc nhược chán nản. Mọi năng lực ý chí như bốc hơi tan biến, hắn không muốn và cũng không còn sức làm một điều gì hết. Ngay cả làm vệ sinh hằng ngày cho chính mình, đánh răng rửa mặt tắm gội. Ngay cả uống thuốc của bác sĩ cho, lần gia đình mời đến khám bệnh. Bây giờ những ý niệm dơ sạch ốm đau… trơn trượt trên hắn và không có một chỗ trú nào trong tri thức. Ngày bần thần ngầy ngật, đêm trăn trở chập chờn, hắn bập bềnh lơ lửng không còn biết phân biệt sáng tối hay ngày tháng. Suốt ngày, chỉ muốn nằm, nằm đến đầu nhức bưng, vai rêm rả, và lưng mỏi rừ. Rồi ngồi dậy, thừ người trên ghế mây, nhìn đăm đăm cây bonsai khát khô, lá rũ vàng. Hắn không thiết ăn không thiết uống, quên bẵng cái bao tử lép cái cổ họng khô của chính mình thì còn tâm trí đâu mà nhớ đến cây? Nhìn cây chán, hắn lại đến ngồi nơi bàn gần cửa sổ. Trời có trong xanh nắng có lấp lánh thì với hắn cũng chỉ ui ui một màu chì. Tiếng xe có inh ỏi, tiếng nói chuyện có lào xào thì cũng không khác gì ngoài sa mạc. Ngồi chưa lâu thì hắn đã thấy mệt và trở lại giường nằm. Trong cái mênh mông của trống trải vô vọng, hắn tụt dần, tụt dần xuống tận đáy. (Con nữ)

Trong tác phẩm này, có những truyện như Sợi tình, Sau cô cơn bão sóng, Cuộn khói mong manh… là những tường thuật, mô tả, phân tích, lý giải, thâm nhập trọn vẹn và chí tình của tác giả vào tiến trình quanh co phức tạp khởi từ cái bệnh đến cái chết, một công việc khó khăn ít có nhà văn nào mạo hiểm xông vào. Đỗ Quỳnh Dao có lẽ cũng biết như thế, nhưng chị tin vào kinh nghiệm sống của chị, tin vào sự thông cảm sâu xa giữa chị và những người bệnh chị gặp mỗi ngày. Lòng tự tín của chị có căn cứ, và chị đã thành công ngay trong sự lựa chọn mạo hiểm về đề tài và chất liệu, cho tác phẩm đầu tay.

Cả cách bàn về cái chết của Đỗ Quỳnh Dao cũng đặc biệt. Cái chết “bình thường” như tất cả mọi người có thể tưởng tượng ra:

Chị thở hắt từng hơi ngắn yếu ớt. Thoi thóp lụn dần, lụn dần, lụn dần như cây nhang tàn trong bát hương… Khí lạnh len lỏi trong máu ngấm vô tay chân khắp người, nhưng có hề chi khi tâm chị được sưởi. Môi chị tím, tay chân chị tím, người chị tím, nhưng có hề chi khi lòng chị nở nụ hồng. Quanh chị, mọi người thân đều có mặt và đang nói lời yêu thương.

Anh ngồi bên âu yếm xoa đầu chị lún phún sợi tóc nhỏ.

– Em đừng sợ cứ an tâm mà đi. ở đó đã có Cậu và Mợ chờ em sẵn. ở đó em sẽ hết đau đớn và khỏe mạnh lại như xưa. Những điều em dặn dò anh đều nhớ cả. Bây giờ anh không cùng đi với em nữa, mình phải tạm chia tay. Đến khi gặp nhau lại, hai vợ chồng mình sẽ tiếp tục làm những gì mình chưa kịp làm. Còn nhà này vĩnh viễn là nhà của em không có gì thay đổi.

Con gái chị cầm bàn tay tím lạnh của mẹ áp vào má, miệng không ngớt lầm thầm:

– Mẹ ơi, con thương mẹ, con cần mẹ…

Nơi chân giường cô bạn thân nức nở:

– Bạn cứ đi, rồi bọn mình sẽ gặp lại nhau sau và khi đó lại làm bạn thân tiếp tục.

Hỏi làm sao tâm chị không ấm áp lòng chị không nở hoa?

(Cuộn khói mong manh)

nhưng cách lý giải của Đỗ Quỳnh Dao về “chuyện bình thường” lại có cái gì “vượt thường”:

– Bà nghĩ gì về cái chết?

– Ai cũng biết là mình sẽ chết một ngày nào đó. Biết vậy, rồi quên đi hoặc tránh né không nhắc lại. Đôi khi cũng có nói đến nhưng lúc đó cái chết thật xa vời mông lung không mảy may dính líu với ta. Và khi nó hiện ra thì ta hốt hoảng sợ hãi. Ta chỉ có chữ để nói về cái chết nhưng đó là những lời nói suông, mơ hồ, trống rỗng không hình tướng. Ta chỉ biết nó là mất mát, là ngăn cách, là cái phi lý vô nghĩa, là cái không tưởng tượng ra được, và khủng khiếp hơn cả là sự kết thúc của ta. Ta cựa quậy vùng vẫy để tìm cách tự bảo vệ trước cái không biết là gì ấy đang càng lúc càng đến gần. Rồi dần dà ta thấy bình thản hơn vì nói ra được những lo sợ trong lòng, nói ra không có nghĩa là hủy diệt mà để rào giữ cái sợ dễ dàng hơn. Và nhờ vậy ta hiểu ra chết là cái gì thuộc về đời sống, là cái gì rất tự nhiên, phải đến. Hiểu ra nó là cực điểm, là lúc ta thấy rõ giá trị, nghĩa thật của cuộc đời.

Bà M. ngừng lại, siết chặt tay cô rồi nói tiếp:

– Cô biết không, tôi cám ơn cô rất nhiều vì nhờ cô tôi thấy mình vẫn là một người còn sống tuy cái chết đã kề cận. Đây nhé, tôi lấy thí dụ cho cô nghe, buổi sáng thức giấc nhìn thấy nắng, buổi trưa nghe tiếng lá tiếng gió, buổi chiều nghe trẻ tan học cười nói ríu rít ngoài đường. Lúc trước, đó chỉ là một hình ảnh một tiếng động hay một âm vang nhưng nay trở thành một cái gì rất thật rất sống. Nó cho tôi cảm giác dễ chịu an toàn là tôi vẫn còn sống. Nhiều khi tôi muốn hét to lên cho mọi người nghe: -tôi chưa chết đâu, tôi vẫn còn đây, tôi vẫn sống, tôi vẫn hiện hữu. Tôi sắp chết trong nay mai, nhưng hiện thời tôi còn sống, còn nghe, còn thấy, còn ăn, còn thở. Trên chặng đường cuối này, tôi cố gắng đi thẳng, mặt đối mặt với cái chết chứ không muốn vừa đi vừa quay lưng không dám nhìn. Lúc nào tôi cũng chủ động, tôi chấp nhận chứ tôi không cam chịu cái chết…Điều tôi mong ước là Thượng Đế đã cho tôi được sống một cách đàng hoàng từ xưa đến nay, bây giờ xin cho tôi cũng được chết một cách đàng hoàng, sống hay chết cũng đều toàn vẹn nhân phẩm.

(Sau cô cơn bão sóng)

Tôi vẫn thường ngạc nhiên thích thú khi đọc văn của những cây bút xa quê hương nhiều năm, nhiều người sống ở nước ngoài cả nửa thế kỷ mà khi viết văn vẫn sử dụng một thứ tiếng Việt tinh tế, chuẩn xác và uyển chuyển như những người hằng ngày vẫn suy nghĩ, giao thiệp, viết lách bằng tiếng mẹ đẻ. Đọc truyện của những nhà văn như Linh Bảo, Võ Đình, Mai Kim Ngọc, Đỗ Quỳnh Dao… tôi thấy rõ ưu điểm đó. Hình như tiếng Việt trong đời sống tinh thần của những nhà văn này được ủ lâu ngày bằng chất men thương nhớ quê hương, lại không vướng những tạp chất của đời thường và các biến cố thời sự, nên mỗi ngày mỗi tinh luyện, thăng hoa, sóng sánh như một thứ rượu quí. Ngôn ngữ của Đỗ Quỳnh Dao cũng đạt được mức độ tinh luyện như thế. Trong cuộc sống bình thường nơi xứ người, nhất là ở Sceaux Pháp quốc, tôi không nghĩ chị được sống trọn vẹn đời sống Việt như tôi và các bạn đồng hương ở đây. Chúng tôi đang sống giữa cộng đồng đông đảo người Việt cùng một cảnh ngộ, cùng một kinh nghiệm về chiến tranh, cùng một số phận khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Như đã có nhiều người nói, chúng tôi đang sinh hoạt trong một thứ “Việt Nam Cộng Hòa nối dài”. Điều đó có cái lợi và cái bất lợi. Riêng về khả năng giao thiệp, và viết lách bằng tiếng Việt, dĩ nhiên chúng tôi có lợi thế hơn chị Đỗ Quỳnh Dao. Nhưng tập truyện này chứng tỏ điều “dĩ nhiên” ấy không “dĩ nhiên” chút nào. Chẳng những ngôn ngữ truyện của chị trong sáng, không vướng tạp chất, mà ngôn ngữ ấy còn đủ uyển chuyển để diễn tả được những vấn đề hết sức phức tạp, như cảm giác cô đơn bàng hoàng của người bệnh, những hồi tưởng về các vui buồn một đời của người sắp chết, tâm trạng băn khoăn giữa mặc cảm và ý thức phản kháng của những người đồng tính luyến ái…

Một ghi nhận khác về truyện Đỗ Quỳnh Dao là cách chọn đề tài. Như Mai Kim Ngọc, Linh Bảo, Võ Đình…do sinh sống lâu năm ở xứ người, Đỗ Quỳnh Dao không bị ràng buộc vào những đề tài quen thuộc của văn chương Việt Nam, là thời sự chính trị. Chị may mắn định cư ở một đất nước mà định chế chính trị được xem như đã ổn định, không còn gì phải bàn cãi nữa. Có bàn cãi chăng, là bàn cãi về phương cách thực hiện những lý tưởng của định chế đó sao cho hữu hiệu, phù hợp với biến chuyển của thế giới. Nhờ thế, những nhà văn như Mai Kim Ngọc, Linh Bảo, Võ Đình, Đỗ Quỳnh Dao thường chọn những đề tài thuộc về nhân sinh nói chung. Nhân vật của họ không cần phải mang quốc tịch Việt Nam. Họ cũng không bị buộc phải hoan hô đả đảo ai. Hạnh phúc hay đau khổ thuộc về thân phận con người, không có biên giới. Đề tài truyện nhờ thế thoát ra khỏi biên giới của một cộng đồng, một quốc gia. Đề tài của muôn nơi, muôn thuở. Như sự sống và cái chết. Như cái già cái bệnh. Như tuyệt vọng trước thời gian và hy vọng vĩnh cữu. Những đề tài ấy, một nhà văn từng trải qua bao nhiêu thăng trầm chính trị như Nghiêm Xuân Hồng, khi ở vào tuổi xế bóng, mới thấy là đề tài quan trọng. Nhưng Nghiêm Xuân Hồng không còn đầy đủ sức khỏe để viết về những đề tài ấy.

Một lần nữa, tôi muốn thưa với nhà văn Nghiêm Xuân Hồng rằng: “Đã có người thực hiện được ý nguyện của anh. Chỉ tiếc là anh không còn ở cõi đời này để đọc tập truyện Con Nữ của chị Đỗ Quỳnh Dao.

Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 6672

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây