Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTiểu LuậnNỗi Băn Khoăn Của Kim DungPhần Hai - Chương 1 - Tâm sự Nhạn Môn quan

Phần Hai – Chương 1 – Tâm sự Nhạn Môn quan

THỰC TRẠNG PHÂN TRANH CỦA CÁC CHỦNG TỘC

Bọn Uông Bang chúa, Thủ lãnh đại ca, Triệu thiền tôn, Trí Quang đại sư… hối hận vì đã vô tình giết oan vợ chồng Tiêu Viễn Sơn nên không nỡ giết đứa con, đem nó qua hẳn bên này biên giới, thật xa về phía nam Nhạn môn quan, giao cho vợ chồng họ Kiều ở dưới chân núi Thiếu Thất nuôi dưỡng. Chùa Thiếu Lâm rèn luyện võ công và đạo đức, rồi Uông bang chúa hướng dẫn đào tạo cậu bé thành một người Tống hoàn toàn. Sau nhiều trắc nghiệm thử thách gay go, Tiêu Phong mới được giao cây Đả cẩu bổng cho. Quần hào trung nguyên giấu nhẹm gốc gác của Tiêu Phong, và chính ông cũng cư xử như một người Hán thuần túy. Cái nhìn Tiêu Phong giống y cái nhìn mọi người, hạn chế trong biên giới quyền lợi dân tộc, nhắm mắt tuân hành theo hệ thống huyền thoại nhằm đề cao Hán tộc và phỉ báng bọn man di chung quanh. Những huyền thoại đó là căn bản của lịch sử tất cả các nước trên thế giới, nó là chất liệu chính của mọi chặng huyền sử, là nguyên tố, mục tiêu để các sử gia sưu tập tài liệu chứng minh diễn tiến sinh tồn của dân tộc. Chúng ta thử điểm mặt các anh hùng dân tộc, sẽ thấy thành tích lớn lao nhất của họ là giết được hằng hà sa số người lân bang để bảo vệ quyền lợi chủng tộc, mở mang bờ cõi. Cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy bên này biên giới, nhân vật ấy là một tên đại ác, còn ở bên kia biên giới lại là một nhân vật lịch sử siêu việt oai hùng từng làm sáng đôi mắt ấu thơ. Cũng chính vì tinh thần dân tộc này mà người ta tự cho phép làm ngơ trước những hành động phi nhân, như nỗi vui sướng phấn khởi của một đứa trẻ da trắng Hoa kỳ khi xem trên màn ảnh cảnh quân biên phòng tàn sát không thương tiếc bọn mọi da đỏ. Tự tôn dân tộc, tự ái quốc gia là một thực tại trường cửu, cho nên dù cùng theo một chủ nghĩa, người cộng sản bên này biên giới vẫn gườm súng thủ thế với đồng chí bên kia biên giới. Hơn thế nữa, khi do một nguyên nhân riêng, những người cùng chủng tộc chém giết nhau, người ta vẫn thường trấn an lương tâm bằng cách gán cho người đồng bào là tay sai ngoại bang, nghĩa là không còn đáng được cư xử như một kẻ đồng giống nòi (một bên bị gọi là tay sai đế quốc Mỹ, một bên bị gọi là tay sai đế quốc đỏ Nga Tàu).

Lòng tự tôn quốc gia đã là một thực tại trường cửu thì biên giới quốc gia, muôn ngàn Nhạn môn quan, càng được phòng thủ cẩn mật. Sức người khó có thể xô ngã hay chui qua lọt. Họa hoằn chỉ có thể lọt qua được là những loài chim.

Tiêu Phong lớn lên, nuôi dưỡng trong truyền thống, mê hoặc bởi huyền sử, căm hận đến tận xương tuỷ bọn Khất Đan độc ác, và hãnh diện là người Hán. Ông ở xa biên giới quá, nên không thể thấy được những thực tại Nhạn môn quan.

Phải chờ đến lúc vì vấn đề chủng tộc, ông bị truất ngôi bang chúa, Tiêu Phong mới trở về Nhạn Môn quan để thấy rõ thực tại phân tranh.

Ông đã thấy gì? Trên Nhạn môn quan chất ngất, mây phủ chập chùng, không khí thanh khiết và yên tĩnh thần tiên. Ở cõi cao nhìn xuống nhân gian, chắc chắn mọi sự trở thành bé nhỏ tầm thường mà dễ thương như đồ chơi con nít: từ một khoảng vườn hẹp, một mái nhà nhỏ, một cánh đồng xanh. Nhưng Tiêu Phong về lại đây với một nỗi hận trùng trùng. Ông thắc mắc: Có phải mình là người Khất Đan không? Khất Đan có tàn ác không? Người Hán có đẹp như huyền sử không?

Thực tại đã trả lời:

“Trong lúc Tiêu Phong đang băn khoăn nghĩ ngợi, bỗng nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Ông giật mình như người trong giấc mơ, tự hỏi: Tại sao lại có trẻ nít khóc?

Kế đó, ông lại nghe thấy tiếng đàn bà lanh lảnh, liền thò đầu trông ra để xem cho rõ thì thấy bọn quan binh nhà Đại Tống tên nào cũng cướp đêm về một vài người đàn bà con nít. Bọn người bị bắt đều mặc quần áo Khất Đan theo kiểu chăn trâu bò. Nhiều tên quan binh nhà Đại Tống đưa tay sờ nắn vào những người đàn bà con gái Khất Đan trông rất bỉ ổi và khả ố. Người đàn bà nào kháng cự là bị quan binh đánh đập…

Đột nhiên một đứa con nít đang ngồi trong lòng mẹ khóc thét lên. Người mẹ Khất Đan hất tay tên quan binh Đại Tống ra, quay lại gọi đứa nhỏ đang khóc. Tên quân cả giận, nắm lấy đứa nhỏ quật xuống đất, rồi cho vó ngựa xéo lên mình. Lập tức ruột gan đứa nhỏ lòi ra, Người đàn bà Khất Đan sợ, mặt xám ngắt, muốn khóc mà không khóc thành tiếng. Cả bọn quan binh xúm lại cười rộ…

Lũ quan binh này đi qua rồi thì lại một toán hơn mười tên khác la ó đi tới. Toán quan binh Đại Tống này cũng đều cưỡi ngựa, tay cầm đao dài giơ lên. Đầu mũi đao đều có bêu một cái thủ cấp máu chảy đầm đìa. Khúc đuôi một con ngựa có buộc quãng dây dài trói năm người đàn ông Khất Đan. Cách ăn mặc những người Khất Đan này cũng toàn là hạng bình dân chăn trâu bò. Hai người đã già lắm, đầu tóc bạc phơ, còn ba người nữa là thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi. Tiêu Phong hiểu ngay: Khi thấy quan binh Đại Tống đến ăn cướp, bọn tráng niên Khất Đan khỏe mạnh đều chạy thoát nên lũ quan binh chỉ cướp được những người già nua yếu đuối và đàn bà trẻ con đem về.”

(trang 182, 183 quyển 2)

Cảnh ấy khiến Tiêu Phong hết còn hãnh diện là người Tống. Ông thành thực thú nhận với A Châu trên Nhạn môn quan là ông hãnh diện được làm người Khất Đan. Tiêu Phong không giữ được lâu niềm kiêu hãnh ấy. Lần thứ nhì lên Nhạn môn quan, Tiêu Phong được mục kích một cảnh khác:

“Ông thấy đội quân binh Khất Đan ước chừng dư tám trăm người trên lưng ngựa chất đầy vải lụa cùng đồ vật, và số người bị bắt cũng đến dư tám trăm, phần đông là con gái ít tuổi, và một số trai tráng. Họ đều mặc y phục người Tống, ai nấy khóc lóc kêu gào, vẻ mặt cực kỳ buồn thảm…

Ngày trước Tiêu Phong đến ngoài ải Nhạn môn quan chính mắt ông đã trông thấy bọn quan binh nhà Đại Tống hiếp đáp nhân dân Khất Đan, lần này ông lại thấy binh Khất Đan đi bắt con dân Đại Tống. Vẻ mặt của những người bị bắt bữa nay cũng sầu khổ chẳng khác gì những người Khất Đan bị bắt ngày nọ.”

(trang 263, 264 quyển 3)

Trong những tên quân Đại Tống bỉ ổi khả ố với đàn bà Khất Đan, có thể sau này nhiều người trở thành anh hùng bảo vệ biên cương bờ cõi. Cũng như nếu một trong số 800 tên Khất Đan thảo khấu rủi ro bị chết, hắn sẽ được long trọng quốc táng, vì VỊ QUỐC VONG THÂN. Đó là bản chất của mọi huyền sử, cũng như vẻ mặt sầu khổ của những người dân Tống lẫn bọn bình dân chăn trâu bò Khất Đan là bản chất của lịch sử nhân loại. Sâu bên trong các kinh kỳ, bên trong các tuyên ngôn huấn từ, bên trong các sách sử yếu dành cho quần chúng, ý niệm quốc gia và sự duy trì niềm tự tôn chủng tộc đủ chất men khích động đám đông, để họ sẵn sàng tham dự vào tất cả mọi mưu đồ. Nhưng người đứng trên những Nhạn môn quan phải là những người sáng suốt. Cái nhìn của Tiêu Phong là cái nhìn của chim nhạn chim hồng:

” (Gần Nhạn môn quan), là một khu đồng ruộng bát ngát hoang vu, lúa má cùng cỏ dại mọc chen nhau, chỗ nào cũng đầy chông gai vì lâu ngày không người đi lại. Tiêu Phong nghĩ thầm:

– Người Tống vì sợ Khất đan đến đây cướp lương thảo nên đành bỏ hoang mấy trăm vạn khoảng ruộng tốt này. Mỗi một khoảng ruộng này đều nuôi nấng được bao nhiêu sinh linh. Họ đã tốn bao nhiêu huyết lệ mới làm thành ruộng tốt như vậy…”
(trang 274 quyển 8)

Từ trên cao nhìn thấu được niềm vui nỗi buồn của một bác tiều phu người Tống, ao ước thái bình, để hằng ngày đem củi xuống chợ đổi nồi gạo trách mắm, nhìn thấu được màu xanh huyền diệu của một đọt cỏ, màu vàng ửng của trái chín, sắc vàng mênh mông của mùa. Nhìn được như vậy, Tiêu Phong mới sa vào niềm băn khoăn chưa từng có nơi mọi người Tống và mọi người Khất Đan. Thân thế đặc biệt của ông đưa ông đến một vị trí đặc biệt buộc ông nhận một thân phận đặc biệt.

   Số lần đọc: 17537

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây