Nguồn: Văn Học số 193 tháng 5 2002
Trong bài “Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam nhìn từ điểm đầu thế kỷ XXI” đăng trên tạp chí Văn Học số 184 (tháng Tám 2001), nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi viết:
“Từ 1975 hay chính xác hơn là từ 1980 trở đi, cả dân tộc hầu khắp mọi miền Trung Nam Bắc đã lần lần cất được cái áp lực nặng nề quá tải của tâm lý con người thời chiến – phải dẹp bỏ tất cả, thu mình lại hoặc căng mình ra “chịu trận” trong suốt 30 năm không nghỉ – để trở lại nếp sống thường nhật, với những giây phút riêng tư, chùng lắng, những lo nghĩ tính toán vụn vặt, và biết bao nhu cầu, dục vọng, thói quen, sở thích… cả những “ẩn số” nằm trong đáy tâm khảm, những “nỗi đau thân phận” muôn thuở của kiếp người. Trong xã hội cũng như trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân, hàng loạt vấn đề bình thường mà ngổn ngang, “tơ vò trăm mối” cứ thế đặt ra, không dễ gì giải quyết ngay một lúc và cũng không thể giải quyết theo kiểu dứt khoát “trắng đen”, “bạn thù” như thuở còn chiến tranh. Thế mà văn học rất lâu về sau vẫn không theo kịp bước chuyển đó. Hình thái nhà văn – chiến sĩ / cầm bút – cầm súng chưa thôi ám ảnh tâm thức sáng tạo, và trên mọi trang viết, đề tài thời sự chính sách được ưu tiên lựa chọn, thêm vào đấy âm hưởng sử thi cơ hồ được đẩy đến nấc tột cùng. Con người điển hình vẫn đẹp một cách cao cả, uy nghiêm, không chút phân tâm trước những chuyện “tuế toái bà dằn” của thực tế. Đó là kiểu người hướng ngoại, không có bi kịch, hiếm khi phải đối diện với chính nó trong tình trạng phân thân hay vô thức. Cuộc sống mà văn thơ miêu tả bao giờ cũng được xếp đặt hợp lý, rất đúng tinh thần duy lý, tưởng như khó có thể len vào dù chỉ là một thoáng phi lý, siêu hình. Phải nói giữa cái được phản ánh và cái phản ánh bây giờ đã khó điều hòa được với nhau, văn học đang trượt theo đà quán tính của nó, làm nó bị chững lại, nhất là vào những năm đất nước lâm vào khủng hoảng bởi chế độ bao cấp đã đến hồi quá tải.”
Nguyễn Huệ Chi nói đến mốc thời gian 1975, hoặc chính xác hơn là 1980, như ranh giới phân biệt hai hình thái sáng tạo. Một bên theo truyền thống “văn nghệ công cụ chính trị” quy định mẫu nhà văn-chiến sĩ, với văn chương hướng ngoại, duy lý, không có bi kịch, không có cá nhân. Một bên là sự bắt đầu cảm thấy những ngỗn ngang phức tạp của đời thường, sự bất lực của lý trí trong những quyết định cỏn con tủn mủn của đời sống trước mắt…Dĩ nhiên không hề có một ranh giới rõ ràng trong bất cứ tiến trình văn học nào, văn học Việt Nam cũng không ở ngoại lệ. Cho nên, như ghi nhận của Nguyễn Huệ Chi, hình thái nhà văn chiến sĩ vẫn tồn tại cho đến khoảng 1988 mới thực sự có biến chuyển lớn trong tâm thức sáng tạo, với một loạt những truyện ngắn, truyện dài viết về con người bé nhỏ của đời thường của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hoài, Lê Lựu, Bảo Ninh, Dương Thu Hương…với những vở kịch của Lưu Quang Vũ, thơ của Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy. ..
Nhưng ngay trong những cây bút tiêu biểu của đợt đầu dòng văn học mới, kể cả Nguyễn Huy Thiệp, cũng không thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của mẫu hình truyền thống. Họ không thể trong vòng vài năm cởi bỏ ngay được những ràng buộc của chính trị. Viết về con người bí nhiệm và bất trắc của đời thường, chống lại khuynh hướng sử thì hoành tráng, nhưng họ cũng vẫn chấp nhận một trong những nguyên tắc căn bản của hình thái văn học cũ: là văn chương nghệ thuật phải có công dụng nào đó, trách nhiệm nào đó với đời. Nhà văn vẫn là chiến sĩ, ngày trước người chiến sĩ đứng nghiêm trang ở phía trước tấm huy chương, bây giờ cũng nghiêm trang soi mói mặt trái của tấm huy chương. Trước hay sau, người nghệ sĩ vẫn không thoát được ra ngoài hệ qui chiếu của chính trị.
Phải đợi một thế hệ mới trẻ hơn, lớn lên vào lúc dư âm của chiến tranh là một mớ kỷ niệm lãng đãng và kinh tế thị trường cho phép họ sống cuộc sống bình thường như bất cứ người dân ở bất cứ một quốc gia bình thường nào, sự đoạn tuyệt với mẫu hình chính thống mới dứt khoát hơn. Tôi nghĩ đó là thế hệ những người viết trẻ thuộc lứa tuổi Phan thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương… ở trong nước; và Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh ở ngoài nước.
***
Truyện của Phạm Hải Anh là những mẫu sống, mẫu đời, mẫu người có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, bất cứ thời nào. Nhân vật truyện Phạm Hải Anh không có trong túi bản lý lịch trích dọc trích ngang nào cả. Tác giả không định vị nhân vật của mình theo những khuôn khổ chính trị quen thuộc thường thấy ở lớp cầm bút đi trước (và cả đến bây giờ). Họ không thuộc phe chính diện gương mẫu từ chân tơ kẻ tóc, mà cũng không thể xếp họ vào hạng phản diện đáng nguyền rủa. Họ nghèo, họ khổ, nhưng cả tác giả lẫn nhân vật truyện đều không hề thắc mắc về nguyên do của nỗi khổ ấy, không truy tìm kẻ thù giai cấp và chuẩn bị xắn tay áo lên để làm cách mạng xã hội. Những nhân vật truyện của Phạm Hải Anh, nếu sống ở nông thôn, rất gần với nhân vật truyện của Tô Hoài, Bùi Hiển thời trước 1945 hơn là những nhân vật cùng khổ làm nền cho chính nghĩa cách mạng trong văn chương hiện thực phê phán sau 1945. Nói theo cách của Boris Pasternak, nhân vật truyện của Phạm Hải Anh “sống” đời sống của họ, chứ không “chuẩn bị sống” theo một khuôn mẫu xã hội nào khác.
Có thể có người bắt bẻ nếu cách xây dựng nhân vật của Phạm Hải Anh đi ngược với truyền thống (hay trở về với truyền thống đã có trước 1945, và ở ngoài khối xã hội chủ nghĩa) như thế thì có khác nào trường hợp Nguyễn Huy Thiệp khi viết Tướng Về Hưu, Phạm thị Hoài khi viết Năm Ngày, Bảo Ninh khi viết Nỗi Buồn Chiến Tranh, Dương Thu Hương khi viết Những Thiên Đường Mù… Tôi nghĩ có sự khác biệt, và nguyên do cũng dễ hiểu. Sự khác biệt của hai thế hệ. Thế hệ Phan thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Bình Phương, Phạm Hải Anh cảm thấy không nợ nần gì với quá khứ (dù vàng son hay bi thảm), và cái gương trước mắt của lớp đàn anh cho họ thấy những nợ nần ấy có mang cũng chỉ làm cho đời họ nhọc nhằn hơn, bi thảm hơn mà thôi. Một lựa chọn tự nhiên không chút khó khăn, không chút trăn trở. Có thể nói nhân vật truyện Phạm Hải Anh không có tính chính trị. Họ không mang một sứ mệnh nào cả, không có trách nhiệm thay mặt tác giả biện minh cho bất cứ điều gì. Họ sống trọn theo số phận đời họ, những số phận thường hẩm hiu, buồn tẻ, trắc trở hơn là may mắn. Nhưng họ không đưa cặp mắt căm thù nhìn quanh để tìm thủ phạm đã gây ra số phận hẩm hiu ấy. Họ không giúp được gì cho những tay chính trị cơ hội. Họ không giúp cho Phạm Hải Anh được nâng cấp trở thành “chiến sĩ văn hóa” hay “kỹ sư tâm hồn”. Họ sống trọn cuộc đời của họ, sống cho họ chứ không sống vì ai khác, họ không làm con rối cho bất cứ ai, kể cả người đã nặn ra họ. Nhờ vậy, thế giới nhân vật của Phạm Hải Anh sống động, tự nhiên, bước vào thế giới đó như bước vào một cuộc sống phức tạp huyền nhiệm với đầy đủ thất tình lục dục, và bước ra khỏi đó ta mang mãi cảm giác lâng lâng khó tả, vui buồn lẫn lộn, quyến luyến như vừa rời khỏi một chốn thân quen.
***
Lối tiếp cận và mô tả cuộc sống của Phạm Hải Anh có khác với những người viết trẻ cùng thế hệ. Ít ra và khác với những người như Nguyễn Việt Hà, Bùi Hoằng Vị, Vi Thùy Linh. Trong khao khát đi tìm cái mới, sau khi tiếp xúc với thế giới văn nghệ phức tạp và rộng rinh bên ngoài đất nước, một số bạn trẻ lao vào những thử nghiệm cực đoan, gần như dẫm lại những vết chân cũ của thế hệ những năm cuối thập niên 1960 ở Miền Nam. Ngôn ngữ văn chương cũng lặp lại những bạo tợn, trân tráo, phá phách của cái thời “Thượng đế đã chết”. Thay cho những bài ca ra trận là những câu chữ nặng nề triết học. Có phần nào đó là ảo tưởng về trí tuệ.
Tôi không tìm thấy những hiện tượng này trong văn Phạm Hải Anh. Đọc nhiều truyện của Phạm Hải Anh, tôi liên tưởng tới không khí truyện Tô Hoài hoặc Thạch Lam thời tiền chiến. Nhưng đọc kỹ hơn, tôi khám phá thêm rằng các liên tưởng ban đầu của tôi quá giản dị. Những nhân vật trong Xóm Giếng Ngày Xưa, Trăng Thề, Ngày Mới sống cuộc đời cơ cực hẩm hiu nhưng tâm hồn bình dị mộc mạc, vì cái nền tinh thần của cuộc đời chung quanh họ gần như không có gì phải ngờ vực, xét lại. Niềm vui, nỗi buồn của họ cũng giống như những gì có trước, và họ nghĩ sẽ không có gì thay đổi về sau. Cái nền vững chãi đó không còn nữa dưới bước chân các nhân vật của Phạm Hải Anh. Họ vốn là những người bình thường đơn giản, nhưng cả xã hội lại đang chao nghiêng trên một cái nền bập bềnh. Bên trong những tâm hồn trầm lặng mộc mạc là những ẩn ức, bất trắc khó hiểu. Không phải ngẫu nghiên mà rất nhiều nhân vật truyện của Phạm Hải Anh là những cô gái lỡ làng trong tình duyên, chờ mãi không thấy hạnh phúc đến trong khi thời gian cứ thản nhiên trôi qua. Nhưng khác với những cây bút cùng thế hệ trình bày nỗi ẩn ức choáng váng rất hiện sinh ấy bằng thứ ngôn ngữ nổ và rỗng, Phạm Hải Anh lấy ngay các chất liệu bình thường của đời sống làm phương tiện diễn đạt. Cái mới không tự trên trời rơi xuống. Nó có trọn vẹn hình đời, hình người, nhất là hình đời hình người Việt Nam. Sự mâu thuẫn giữa truyền thống và cách tân được giải quyết một cách tự nhiên, như không từng xảy ra, không có vấn đề gì rắc rối. Có lẽ đối với những người có đủ trình độ để hiểu rõ bản chất của truyền thống dân tộc và tinh túy của văn hóa phương Tây, sự đổi mới cũng không có gì khó khăn đến nỗi phải ầm ĩ lớn giọng. Vì đó là chuyện tự nhiên, muôn thuở.
***
Tập Huyết Đằng của Phạm Hải Anh gồm hai thể loại: một loại truyện tôi tạm gọi là “truyện thực”, một loại có hình thức như là những “huyền truyện”. Truyện thực là những truyện kể bình thường, những mẫu đời mẫu người trong không gian ba chiều chúng ta nhìn ra được, nghe được, sờ thấy được. Tác giả là một tay quay phim thuộc phái hiện thực, không chơi xảo thuật, không ghép hình chập bóng để tạo ấn tượng theo mục tiêu mỹ học riêng. Dĩ nhiên không có người nghệ sĩ nào khách quan khi tái hiện đời sống qua tác phẩm sáng tạo. Chọn viết cái gì, chọn quay cảnh nào…cũng là một cách xác định bản ngã và quan niệm sáng tạo của mình rồi. Phạm Hải Anh tự tín, nên không cần dùng đến xảo thuật, thế thôi!
Sự tự tín đĩnh đạc này hiện rõ hơn trong cách Phạm Hải Anh viết những huyền truyện. Không gian đời bây giờ không phải chỉ có ba chiều. Có thêm thế giới khác bên trên, bên ngoài cuộc sống hiện tại. Có thêm một tầng khác nằm sâu bên dưới tầng tâm lý xúc cảm có thể nắm bắt được. Có thêm cái không thể hiểu đằng sau những gì dễ hiểu. Tôi đã đọc được nhiều truyện ngắn của tác giả Việt Nam cố gắng viết theo lối hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez, nhưng tôi thấy những cây bút ấy không mấy thành công. Hoặc là họ chưa đủ tài năng cỡ Marquez. Hoặc là “cái tạng” của dân tộc chúng ta không giống như cái tạng của người Nam Mỹ. Đọc những huyền truyện của Phạm Hải Anh, tôi hơi hồi hộp. Rồi yên tâm! Không phải Phạm Hải Anh toàn thành công khi viết các huyền truyện. Khi chọn Huyết Đằng làm nhan đề cho toàn tập truyện ngắn, có lẽ tác giả cũng đặt nhiều kỳ vọng ở thử nghiệm sáng tạo này. Có những huyền truyện Phạm Hải Anh để lộ quá rõ chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm, nghĩa là đi ngược lại với những thành công cô đạt được trong các truyện thực. Nhưng trong đa số những huyền truyện còn lại, tác giả đã trầm tĩnh chủ động trong cách pha chế thực và huyền, tạo được sự cân đối hài hòa.
Sự cân đối hài hòa! Nghe dễ dàng như thở để sống, ai cũng làm được.
Thưa, không phải thế! Làm được một bài điếu văn khóc bạn đơn giản mà sâu lắng như bài “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến, khó gấp trăm lần tổ chức lễ quốc táng cả nước treo cờ rũ. Huống chi là tạo ra được sự cân đối hài hòa giữa “chất dân tộc” và “tính phổ quát toàn cầu”, giữa truyền thống và cách tân, giữa thực và huyền, giữa sự mộc mạc đơn giản và trí tuệ sâu sắc.
Tôi mừng vui khi thấy Phạm Hải Anh đã đạt được một phần khá lớn thành quả này, ngay từ tác phẩm đầu tay.
Nguyễn Mộng Giác
* Huyết Đằng, tập truyện ngắn của Phạm Hải Anh, do Văn Mới vừa xuất bản.
Số lần đọc: 122