Bài này đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn Học số 105 & 106 tháng 1&2/1995
Một thông lệ không thể thiếu hằng năm là việc “tính sổ” những gì “được, mất” trong năm vừa qua. Và một thông lệ khác là khi tính sổ, người ta thích liệt kê tất cả những thành công để mừng cho một năm may mắn, rồi vẽ những viễn tượng tốt đẹp cho năm mới.
Tính sổ những sinh hoạt khác tương đối dễ dàng, nhờ phép thống kê. Tính sổ văn chương không dễ, vì không có gì bảo đảm số lượng sách in lên cao là bằng chứng chữ nghĩa được mùa. Trong kinh tế, trong chính trường, một con én không thể làm mùa xuân. Trong văn chương, một mình Nguyễn Du có thể tạo ra nhiều mùa xuân, dù cuộc đời ông là một chuỗi những mùa đông buồn. Phải rào đón trước như thế, vì công việc tôi đang làm không có tính chất khách quan khoa học vốn là thước đo giá trị của những nhà nghiên cứu nghiêm túc. Ðây chỉ là tập hợp của những suy nghĩ rời chưa dược kiểm chứng, và từ tập hợp đó nếu có những suy diễn phổ quát, thì các suy diễn chỉ là những phỏng đoán.
Việc “tính sổ” khó khăn vì số lượng sách báo xuất bản trong năm qua quá nhiều, không ai dám cả gan bảo là đã đọc hết sách báo Việt ngữ đã phát hành năm 1994. Sở dĩ có tình trạng đó, là do sự trì trệ của ngành xuất bản sách báo và phát hành. Mới nghe, có vẻ nghịch lý, nhưng sự thực là vậy. Vào những năm từ 1983 đến 1989 khi ngành xuất bản ở hải ngoại tương đối phát đạt, tác phẩm của những nhà văn được nhiều độc giả ưa thích có thể in với số lượng 2000; những tác phẩm đầu tay tối thiểu cũng in 1000 bản, tiêu thụ hết trong vòng hai năm. Hiện nay, những con số dễ thương vừa nói sụt xuống còn một nửa, còn thời gian tiêu thụ thì tăng lên gấp đôi, gấp ba. Sách không bán được nên các nhà xuất bản uy tín chỉ dám in cầm chừng cho có, hoặc dứt khoát ngưng in những loại sách kén độc giả để tái bản những sách đã xuất bản ở quốc nội, nhất là loại truyện diễm tình hay trinh thám gây cấn. Nhà xuất bản hoạt động cầm chừng nên hầu hết sách xuất bản trong năm qua đều do chính tác giả tự xuất bản lấy.
Tự xuất bản sách của mình, tại Bắc Mỹ, không phải là việc quá khó khăn. Viết gì in nấy không sợ cái kéo của ông bà kiểm duyệt hoặc cái còng của công an văn hóa. So với chi phí làm một băng nhạc, chi phí in một tập thơ, một tập truyện đầu tay cũng không nhiều. Nhín bớt tiền trà thuốc, trích một phần trợ cấp tiền già, vay mượn đây đó những chỗ quen biết, thế là đủ tiền ứng trước cho nhà in. In xong, lấy trước vài trăm cuốn tổ chức ra mắt sách, hy vọng có thêm tí tiền thanh toán ấn phí còn lại. Có thể nói bất cứ ai muốn có một “tác phẩm” để sưu tập những bài thơ xướng họa lúc trà dư tửu hậu, để kể lể thành tích một đời, để khoe với thiên hạ những bức hình đẹp nhất của toàn giòng họ, để chửi bới thả cửa những kẻ mình thù…, chỉ cần có tiền là một tuần, nửa tháng sau, “tác phẩm” ra đời.
Vấn đề khó khăn không phải là xuất bản, mà là phát hành. Người Việt ở hải ngoại sống rải rác khắp thế giới, lại không có một cơ sở tổng phát hành sách báo. Sách in xong, đích thân tác giả chở tới gửi bán ở các hiệu sách, và tại đây, người viết mới nếm mùi tân khổ. Các ông chủ hiệu sách không nhận bán cái gì liên quan tới thơ. Xin gửi bày thơ trên kệ cho “vui”, lúc nào bán được mới xin lại tiền ấn phí, điều kiện đưa ra dễ dàng như thế nhưng các nhà thơ vẫn bị từ chối. “Hành trình của Thơ” bắt đầu từ nhà in đến nhà kho. Tôi nói tới số phận của các tập thơ vì năm nào số lượng thơ in ra cũng nhiều hơn số lượng sách thuộc các thể loại khác. Dân tộc Việt Nam yêu thơ, mê thơ, mỗi người Việt là một thi sĩ, nhưng dứt khoát không mua thơ.
Việc phát hành khó khăn như thế nên tương quan giữa người viết và người đọc là một tương quan bất thường. Bình thường, giữa người viết và người đọc luôn luôn có một lớp trung gian là nhà xuất bản và giới phê bình. Nhà xuất bản căn cứ vào những tiêu chuẩn riêng (giá trị tác phẩm, mức độ hấp dẫn người mua…) để nhận in hay không, tức là đã làm công việc phê bình chọn lọc sơ khởi. Sách in xong, nhà xuất bản thường gửi tới các tạp chí chuyên môn hay những nhà phê bình có thẩm quyền để nhờ họ thẩm định và giới thiệu với độc giả. Qua hai lần định giá, người mua sách có được đôi chút an tâm khi phải bỏ một món tiền khá lớn mua một cuốn sách mới. Nhiều khi độc giả chỉ cần đọc tên nhà xuất bản cũng đã biết cuốn sách định mua thuộc loại gì, giá trị tới đâu. ít khi có sự lầm lẫn. Những tác giả người Việt ở hải ngoại phải tự in sách và phát hành, nên muốn lấy lại vốn chỉ còn một số giải pháp quen thuộc: tổ chức ra mắt sách và quảng cáo rầm rộ trên báo chí. Cả hai phương cách đều cần những lời ca ngợi vượt mức. Hậu quả: số người mua sách vốn đã ít ỏi, bị lừa vài lần, họ quyết định dành khoản tiền mua sách cho những khoản “đầu tư” khác, ít rủi ro hơn. Cái vòng lẩn quẩn: người mua sách giảm khiến nhà xuất bản hoạt động nhẩn nha, nhà xuất bản hoạt động nhẩn nha thì các tác giả phải tự xuất bản lấy, đã tự xuất bản lấy thì phải quảng cáo rầm rộ mới mong thu lại vốn, quảng cáo rầm rộ thì buộc phải lừa người đọc, người đọc bị lừa nhiều lần nên không mua sách nữa.
Liệu những người liên quan đến sinh hoạt chữ nghĩa có cách nào thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt ấy không?
Cuối tháng 11.94 vừa qua, hai tạp chí Văn Học, Thế Kỷ 21 phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) có tổ chức một cuộc hội thảo với đề tài “Nhìn lại hai mươi năm văn học hải ngoại”. Trong buổi hội thảo ấy, một độc giả thuộc lứa tuổi trung niên có đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý. Anh nói: “Một nền văn học phải nói lên được tâm tư suy nghĩ của con người sống trong môi trường mà nền văn học đó phát sinh. Qua hai mươi năm, chúng ta phải gắng hội nhập vào đời sống mới, bản thân gia đình chúng tôi cũng trải qua cơn thử thách của cái người ta thường gọi là giao thoa văn hóa. Qua nhiều sàn lọc, cuối cùng ở hải ngoại cũng hình thành một mẫu người tiêu biểu đích thực nào đó. Người viết ở hải ngoại có viết về cái mẫu người đó không? Tôi dám nói hiện chúng tôi đang có nhu cầu đọc sách. Chúng tôi đang có một đời sống tương đối ổn định, có thì giờ đọc, có tiền để mua những cuốn sách mình thích. Nhưng tôi không tìm thấy trong sách Việt xuất bản ở đây cái mẫu sống, cái mẫu người tiêu biểu của tập thể tị nạn. Hầu hết sách đã xuất bản chỉ đào bới những chuyện thời xưa. Tại sao không viết về đời sống cam go phức tạp trước mắt? Thất bại có nhiều, nhưng số người hội nhập vào đời sống mới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, giáo dục con cái đàng hoàng, không phải là ít. Tôi tin rằng nếu các nhà văn viết về những mẫu sống ở đây, thì chắc chắn giới độc giả trung niên như chúng tôi sẽ ủng hộ nhiệt liệt.”
Hôm ấy, một nhà văn tham dự cũng đã qui lỗi cho giới phê bình. Anh bảo: “Trách nhiệm của những người cầm bút hiện chủ trương các tạp chí cũng không nhỏ. Mỗi khi điểm sách hay giới thiệu sách mới cho độc giả, chúng ta cứ tránh né, không dám viết thực suy nghĩ của mình. Theo tôi nghĩ chúng ta phải xét lại cách đánh giá, nhận định của mình, chúng ta phải viết “đúng mức” hơn nữa. Xin lấy một thí dụ cụ thể. Trong một cuốn sách vừa ra mắt gần đây, phần phụ lục có in ý kiến của hơn bốn chục người trong văn giới. Có người viết cả trang mà chỉ nói lòng vòng. Có người khen một chuyện chẳng ăn nhập gì tới cuốn sách. Chúng ta hãy nói thẳng vào vấn đề chính. Chúng ta cứ chạy lòng vòng mãi, thành ra mới có hiện tượng khai sinh ra hàng nghìn nhà văn ở hải ngoại”.
Cả hai ý kiến đóng góp đều đúng, đều qui trách nhiệm cho những người “sản xuất” ra chữ nghĩa là giới cầm bút. Sách vở, báo chí, dù là công trình tim óc của người sáng tạo nhưng muốn đến tay người tiêu thụ, sách vở cũng phải chịu những qui luật của thị trường. Nó không còn là một “tặng phẩm tinh thần”, “một thú vui tao nhã”. Nó là một món hàng. Nó phải bảo đảm 100% customer satisfaction như phương châm của các nhà doanh nghiệp Mỹ.
Tuy vậy, dường như những người cầm bút ở hải ngoại khăng khăng bảo vệ đến cùng món quà tự do, mà ngẫu nhiên các biến chuyển lịch sử đã biếu không cho họ. Chưa bao giờ họ được hưởng tự do tư tưởng và viết lách như hiện nay. Họ viết, rồi tự in lấy sách, đôi khi còn tự viết cả những bài phê bình để đăng trên các báo bạn. Cái mà họ tìm không phải là tác quyền, nhuận bút. Ðộc giả đối với họ là “hải nội chư quân tử”, là “nghìn đời con cháu mai sau”, nói chung là những ý niệm trừu tượng không dính dáng gì tới luật thị trường. Cái họ tìm là một chỗ đứng, một căn cước, một ý nghĩa cho khoảng đời ngắn ngủi còn lại. Càng không thích nghi được với đời sống trước mắt, cuộc tìm kiếm càng khẩn trương, như họ đặt hết danh dự vào tác phẩm họ in ra. Ðòi hỏi những người viết như thế phải chú ý tới những mẫu sống điển hình đích thực, hay bình tĩnh lắng nghe những lời khen chê, là đòi hỏi quá nhiều!
Những đam mê đơn độc ấy là thử thách lớn lao cho người cầm bút hải ngoại. Ðã có nhiều người bỏ cuộc, nhìn đống sách ở nhà kho băn khoăn tự hỏi có nên tiếp tục trò chơi chữ nghĩa hay không. Họ ngưng kịp thời, và nếu còn đủ sức khoẻ và ý chí, chẳng bao lâu sau họ trở thành những công chức ngoan, thương gia giỏi. Những người cương quyết tiếp tục, một ngày nào đó sẽ trở thành những văn hào, thi bá. Vì họ thành công bằng chính văn chương của họ, chứ không phải nhờ họ là thành viên, nhân chứng của một đề tài thời sự quốc tế. Rời xa tổ quốc, trở thành một bộ phận vô danh của một cộng đồng thiểu số, họ không còn là tiếng nói, là đại diện cho một tập thể đông đảo nào. Họ chỉ nói chỉ viết cho chính họ, thất bại hay thành công bằng chính sức lực của họ.
Phân tán, rời rạc, không tạo thành phong trào, không tụ thành thế lực, có lẽ đó là tình trạng tất nhiên của sinh hoạt chữ nghĩa hải ngoại. Từng cá nhân âm thầm làm những việc mà trong hoàn cảnh bình thường phải cần một tập thể đông đảo mới làm nổi. Những cuốn sách được in ra trong thiếu thốn khốn cùng. Những vì sao lẻ loi, nhấp nháy giữa đêm quạnh. Trong cái nhỏ cái riêng, tôi thấy có cái gì lớn lao, đầy hứa hẹn. Và tôi đồng ý với nhận định lạc quan của nhà văn Mai Thảo, khi anh viết trên Sổ Tay Giai phẩm Văn Xuân Ất Hợi: “Ðiều tôi yêu mến nhất: Một không khí sinh hoạt chung tốt đẹp hơn nhiều năm trước. Những biên giới tị hiềm thu nhỏ lại. Cạnh tranh vẫn phải có, nhưng đã dần dần hết đi những đương đầu. Chúng ta chưa có nghiệp đoàn và những tổ chức tương trợ. Nhưng mọi người đã hiểu được rằng muốn sống phải từ một chung sống hòa bình. Ðừng dẫm chân lên nhau. Ðừng độc chiếm thị trường. Ðừng một bàn tay đòi che hết mặt trời. Mà đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, tương nhượng lẫn nhau mỗi khi cần thiết. Không khí mỗi ngày mỗi hiểu biết, một thân ái, một hòa thuận với nhau hơn, tôi gọi đó là một trưởng thành chung.”
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 4287