Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Qua Cầu Gió Bay

2

Trong phòng hành chánh, các sĩ quan trên dưới hầu như đủ mặt: Thiếu tá trại trưởng, Đại úy phó trại trưởng, Trung úy Y sĩ trưởng bệnh xá, Trung úy đặc trách an ninh, Trung úy phụ tá Y sĩ trưởng, Thiếu úy trưởng phòng hành chánh…

Tù binh 61.4257 vào phòng khi hai đại diện của trại A và B đã tới trước đó vài phút. Trong phòng, chỉ có tiếng quạt vo vo trên trần. Mưa đã tạnh, nên thoảng từ xa, tận bên kia con đường cái, tiếng ếch nhái côn trùng rên rỉ đưa về, theo cơn gió mát.

Thiếu tá trưởng trại nói trước:

– Tôi đang bận trên Bộ Chỉ Huy, nghe báo có việc gấp vội phóng xe về. Để cho nhanh, yêu cầu tuần tự các vị liên hệ đến vấn đề trình bày rõ ràng cho tôi, hầu tìm một lối giải quyết. Ai cũng biết là chúng ta cần duy trì trật tự tuyệt đối trong trại. Mọi âm mưu phá hoại hay phản loạn sẽ bị nghiêm phạt. Dù không phải là phạm nhân, dù là tù binh chiến tranh và được hưởng qui chế Genève 1949, không ai cho phép tù binh vượt ra ngoài kỷ luật hợp pháp, hợp lý. Tuy vậy ngoài pháp, ngoài lý, còn có tình người. Cho nên tôi không muốn áp dụng kỷ luật độc đoán, một chiều. Tôi muốn biết diễn tiến của biến cố. Vì sao có ba trại đòi tuyệt thực phản kháng? Xin Trung úy Y sĩ trưởng cho biết.

Viên Y sĩ trạc 30, khuôn mặt xương, tóc lòa xòa đến quá nửa tráng, định đứng dậy nhưng Thiếu tá ngăn lại:

– Trung úy ngồi nói được rồi.

– Cảm ơn Thiếu tá! Sự việc chỉ có thế này: Lúc ba giờ chiều, đích thân Y sĩ trưởng bệnh viện dã chiến 67 Hoa kỳ lái xe đến đây, cho biết trong cuộc hành quân tảo thanh của quân đội đồng minh sáng nay có tám binh sĩ Việt Cộng trọng thương bị bắt. Medevac chở họ về bệnh viện dã chiến. Máu ra nhiều quá. Bệnh viện dưới đó lại không còn bịch dự trữ nào trong kho huyết. Thấy càng để lâu tính mệnh đám tù binh càng nguy, Thiếu tá Y sĩ Corson vội lái xe lên đây mượn huyết, tưởng chúng ta có đầy đủ dụng cụ và dược liệu trong trường hợp cấp cứu. Khi nghe tôi trả lời, Thiếu tá có vẻ nóng nảy, và tuyệt vọng.

Tôi chợt nhớ là 8 thương binh Việt Cộng cùng hàng ngũ với anh chị em trong trại chúng ta, nên đề nghị Thiếu tá Corson xin huyết tù binh trong trại.

Thiếu tá Hoa kỳ mừng rỡ, bảo sẵn sàng gọi trực thăng dưới 67 lên chở gấp những người tình nguyện hiến máu xuống bệnh viện dã chiến.

Tôi sợ nếu cùng đi với Thiếu tá Corson xuống gặp tù binh, các người trong trại sẽ nghi ngờ chúng tôi dối trá, nên có gọi cô Vi(nguyên Y sĩ của tiểu đoàn 503 thuộc sư đoàn Sao Vàng) lên bệnh xá, để cho cô trình bày lại với các bạn đồng đội. Cô Vi là một Y sĩ giỏi và tận tụy, vẫn thường giúp đỡ chúng tôi trong việc chẩn bệnh cho trên 200 tù binh hằng ngày. Cô còn tự nguyện săn sóc các người tàn phế trong trại C, nên rất được tù binh cảm phục và tin tưởng…

Sau khi nghe qua ý muốn của chúng tôi, Cô Vi đồng ý cùng đi với chúng tôi đến ba trại nêu vấn đề với anh chị em.

Nhưng Cô Vi không chịu đi cùng với Thiếu tá Corson. Thiếu tá Hoa kỳ ban đầu ngạc nhiên có vẻ giận, nhưng cũng đồng ý ngồi chờ ở Câu lạc bộ. Chỉ còn có tôi và Cô Vi, Trung úy phụ tá, đến từng trại tập họp tù binh vận động. Cô Vi dẫn chúng tôi đến trại C của cô trước.

Thiếu tá ngăn lại hỏi:

– Sao không xin máu những người mạnh khỏe? Trại tàn phế đây có đủ khả năng hiến máu không?

Y sĩ trung úy trả lời:

– Chúng tôi cũng thắc mắc như Thiếu tá. Bấy giờ Cô Vi bảo… Xin Thiếu tá cho phép Cô Vi trình bày thẳng điều này.

– Vâng, vâng, Cô Vi là đại diện của trại tàn phế?

Người nữ tù bây giờ lên tiếng:

– Vâng. Tôi thuộc loại “tâm trí”.

– Cô bị bắt ở đâu?

– Tiểu đoàn chúng tôi đặt là “bệnh xá Nguyễn văn Trổi”. Tôi bị bắt tại bệnh xá tiểu đoàn.

Trung úy an ninh giải thích:

– Tù binh 61.4257 bị bắt trong cuộc hành quân Lý Thường Kiệt 3, tháng 8 năm 1968, tại đồn chiến lược 178, cùng với một số thuốc men. Đương sự không có vũ khí. Hội đồng y khoa xếp vào loại tâm trí, vì lâu lâu đương sự bị dao động thần kinh, cử chỉ thất thường, chân tay…

Thiếu tá đưa tay làm dấu không cho nói tiếp, rồi quay sang phía Vi:

– Cô tiếp lời Trung úy Y sĩ trưởng, giải thích sự việc đi!

Người nữ tù bắt đầu nói:

– Tôi dẫn Trung úy Y sĩ đến trại C trước, vì tôi là một Y sĩ phẩu khoa. Tôi hiểu mạng sống của 8 thương binh như sợi chỉ mành, tùy thuộc vào thời gian rất nhiều. Khi hành quân theo sư đoàn, tôi đã giải phẩu cho hàng trăm đồng đội bị bom đạn, tuy dụng cụ và thuốc men thiếu thốn. Nhiều thương binh chết trước khi lên bàn mổ chỉ vì hết máu. Nhiều người chỉ bị thương xoàng ở tay hay ở chân mà không cứu nổi cũng vì lý do đó. Gia đình tôi chỉ có hai chị em, cùng tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève. Khi em tôi thi hành nghĩa vụ quân sự cứu nước tôi lo không ai săn sóc nó, tình nguyện làm Y sĩ tác đề hai chị em luôn luôn có nhau. Tôi tìm mọi cách làm việc ngay bên tiểu đoàn của nó, vậy mà cuối cùng, chỉ vì một trắc trở không ngờ, nó cũng chết vì mất máu. Chỉ có ngững người “cùng qua cầu” mới thông cảm về cảnh ngộ của nhau. Những người trại C đã một lần bị thương, một lần cảm thấy nguồn sống chảy khỏi thân thể, một lần hãi hùng trước cái chết chập chờn, rồi mừng rỡ vì được tiếp huyết để bám lấy cõi đời. Chỉ có họ mới hiểu sâu xa tâm tình của Y sĩ, vui mừng lo sợ trước nỗi vui mừng lo sợ của Y sĩ, chỉ có họ mới tin tưởng vào Y sĩ như đứa con tin lời mẹ. Chắc Trung úy Y sĩ trưởng, hoặc cả quí vị nữa, đã qua những kinh nghiệm ấy… Tôi dẫn đến trại C trước, để mau chóng tìm đủ ngay mấy người tình nguyện, đở tốn thì giờ. Không biết tôi nói có khó nghe rắc rối không?

Thiếu tá nói:

– Chúng tôi hiểu. Chúng tôi hiểu vì sao cô đến vận động ở trại C trước. Là lính chiến, ai cũng trải qua những giây phút đau lòng ấy. Chúng tôi hiểu. Nhưng xin cô cho biết vì sao cả ba trại lại phản đối chúng tôi.

Vi như chợt ra khỏi cơn bàng hoàng.

– Có Trung úy Y sĩ trưởng và Trung úy phụ tá làm chứng, tôi đã cố hết sức trình bày rõ ràng những điều viên Thiếu tá Mỹ yêu cầu. Thành thực mà nói, giữa Y sĩ với nhau, tôi tin Thiếu tá Mỹ không giả dối. Sự tin tưởng làm lời tôi nói với anh chị em trại C mạch lạc hơn. Cuối cùng, tôi nhắc đi nhắc lại là mạng sống của 8 đồng đội ở cả trong tay của mọi người trại C. Tôi nhấn mạnh: Hoặc chúng ta mất họ, hoặc chúng ta sẽ được cùng chung sống với họ, chia cơm xẻ khổ với họ.

Thiếu tá nóng nảy hỏi:

– Họ phản ứng ra sao?

Trung úy phụ tá trả lời thay cho người nữ tù:

– Họ im lặng. Cái im lặng nặng nề. Cả ba chúng tôi đều lúng túng, không biết phải làm gì. Thay cô Vi, Trung úy Y sĩ trưởng hỏi lại lần nữa vẫn không ai tình nguyện hiến máu. Cuối cùng Trung úy đành nói: “Tuy 8 đồng đội các bạn đang chết dần chết mòn, cần cấp cứu nhưng chúng tôi không muốn ép buộc ai. Thôi, chúng tôi để mọi người suy nghĩ một chút. Sau đó, trong trại C, có ai tình nguyện, xin lên ngay bệnh xá gặp tôi.” Nói vậy nhưng ai cũng biết là trại C sẽ không có người nào hiến máu.

Trung úy Y sĩ trưởng vội tiếp lời:

– Chúng tôi nóng ruột quá, cùng với cô Vi qua ngay trại B và trại A. Ở đâu, họ cũng đều im lặng. Không ai hỏi cho một câu. Tôi tưởng như đang đứng trong sa mạc hay đang nói với một đám tượng gỗ. Tám cái xác hấp hối cứ chờn vờn trong óc tôi. Máu tôi sôi lên. Lúc ấy toiu6 giận quá, giằng cái micro trên vọng canh hét lớn:

“Hèn nhát. Bạn các người đang chết, chỉ cần một vài giọt máu là hồi sinh. Các người không thèm cho. Các người chỉ là một bọn ích kỷ, hèn nhát. Ngay bây giờ tôi và các binh sĩ đi hiến máu cứu đồng đội các người đây.”

Thưa Thiếu tá, đại loại câu tôi hét trên micro như vậy. Chúng tôi đi cho máu thực. Khi medevac trả chúng tôi về bãi đáp bên trung tâm huấn luyện sư đoàn, đã thấy cả trại ngồi phơi ngoài sân phản đối, không chịu đi lấy phần cơm. Tôi chịu thua thưa Thiếu tá. Tôi chịu thua; không hiểu họ muốn gì!

   Số lần đọc: 15491

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây