Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Qua Cầu Gió Bay

3

Người nữ tù ngồi bàng hoàng, không còn nghe lời đối đáp của giữa Thiếu tá và Trung úy đặc trách an ninh, giữa Trung úy an ninh và các đại diện trại A, trại B. Vi coi như phận sự mình đã xong. Tiến quạt trần vi vu, tiến bàn cãi oang oang đôi lúc có vẻ sôi động, gây cấn. Vi chỉ nghe có mỗi một câu hỏi, mình đặt cho mình: vì sao các bạn tù lại từ chối hiến máu?

Lúc học trường thuốc, Vi đã không ngần ngại chọn phẩu khoa, vì tò mò về con người. Con người , kẻ xa lạ ấy! nàng thật sự cảm thấy chờm ngợp trước những cuộc vận động lịch sử hùng tráng lẫn bi thảm vượt qua mọi biên giới chịu đựng của cái thân thể yếu đuối.

Cũng bàn tay nhỏ bé đen điu này dựng nhà, giành đất và trời của vũ trụ. Rồi cũng bàn tay nhỏ bé đen điu này đốt nhà hòa máu vào suối nhỏ sông dài của vũ trụ. Những kẻ hiền từ yếu hèn đi bặt một chặng, để bất chợt trở về: đanh đá, đầy hào khí kiêu căng. Đứa con trai vừa năm nào ngoan ngoãn trong tay mẹ, rồi vụt lớn lên, thành người hùng, chạy theo mây bay “Ly khách! Ly khách, con đường nhỏ. Chí lớn không về bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở lại. Ba năm mẹ già cũng đừng mong”.

Vi không hiểu sâu bên trong làn da, những thớ thịt đường gân nào khiến mọi sự thay đổi đột ngột, rực rỡ như ánh lửa rồi đìu hiu như tro tàn như vậy!

Nàng chẳng tìm thấy được gì trong phẩu khoa. Những tim, phổi, ruột non, ruột già, thịt xương, maú mủ tạo lập một bộ máy tinh vi mà mỏng manh làm sao. Vi chỉ thấy được có sự yếu đuối, và nàng càng thương cho người chung quanh. Nàng hiểu rõ tâm trạng của Trung úy Y sĩ, nhưng bây giờ nàng cũng cảm thấy hiểu rõ tâm trạng những bạn bè; hiểu cả sự hằn học của người đứng nhìn từ bên ngoài vòng kẽm gai và sự câm nín ù lì của những người áo nâu bên trong.

Vi tin vậy, vì phẩu khoa dạy nàng biết quả tim, dòng máu, thớ thịt bên dưới các lớp vải khác màu, đều giống nhau. Vi ý thức điều đó rõ hơn, nhờ các buổi lên bệnh xá chẩn bệnh chung với Y sĩ trưởng. Những hôm không bị dao động thần kinh, Vi lãnh nhận một nửa bệnh nhân để khám bớt cho Trung úy. Các bạn tù cũng e sợ, cuống quít, lo lắng trước mặt nàng như họ đã e sợ cuống quít lo lắng trước mặt Y sĩ trưởng. Nhiều hôm hai người khám xong gần hai trăm người ghi tên khai bệnh thì đã quá trưa. Vi dùng cơm ngay tại bệnh xá. Y sĩ hỏi nàng về tổ chức y khoa “ngoài nớ”, về các cuộc giải phẩu gấp rút trong rừng già, dưới các cây cao lá rậm và bên các hố bom B 52. Lúc đó kiểng tập hộp, Vi ra phía cổng trại, còn y sĩ thì về phòng điều hành đối diện phòng hành chánh. Hai người chào nhau qua lớp kẽm gai, và Vi rùng mình nhận ra hai màu áo khác nhau: màu nâu của lưỡi cá và màu xanh già của rừng. Mấy cái gai sắc như chiếc gai thần tẩm độc của mụ phù thủy!

Y sĩ trưởng tức giận vì thành thực không hiểu nổi sự im lặng của tù binh. Nhưng là người đứng bênb trong vòng kẽm gai, mặc áo nâu có sơn hai chữ T. B. và mang sáu con số trên ngực Vi hiểu. Dù ở trại C, A hay B, bạn bè của nàng chỉ là những kẻ thất thế. Không biết gì về ngày mai của đời mình, họ lo sợ hết thảy.

Họ thấy rõ Thiếu tá Corson đi chiếc xe mang sao trắng (biết bao lần hồi hộp nằm phục kích ngay bên vệ đường khai quang, họ đã đưa họng súng vào cái sao trắng ấy, gắng cho đường nhắm từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi cắm sâu vào đúng trung tâm) lên vồn vã nói tiếng Mỹ với Y sĩ trưởng. Rồi Trung úy cho gọi nữ Y sĩ Vi. Họ còn nhớ rành rẽ những lời giảng giải hiền hòa êm đềm của toán Tâm lý chiến, những bức tâm thư của các đồng đội (về với gia đình qua lời chiêu hồi) in trên giấy trắng lờ mờ hình con chim ó. Họ còn nhớ các lời hứa hẹn lẫn các lời đe dọa đanh thép của Thiếu tá trại trưởng.

Đột nhiên, một câu hỏi đặt ra cho họ, khó giải như một bài toán chia có số lẻ: Ai sẵn sàng hiến máu cứu sống 8 tên Việt Cộng?

Đối với đám đông tù binh, vấn đề đơn giản lắm: người chế súng đạn, vượt ngàn trùng đem vào xứ sở nghèo đói cằn cỗi này, chiêu mộ binh sĩ, huấn luyện kỹ càng cho thành tay thiện xạ, phát đạn cho bắn, chỉ vì mục đích gửi viên đạn đồng vào đúng tử huyệt của đối phương. Bắn một lần chưa trúng hãy bắn lại lần thứ nhì. Bắn lần thứ nhì vẫn chưa trúng hãy bấm cò liên thanh. Vì vậy, người ta mới tìm tòi cải tiến thế nào cho băng đạn dài, viên đạn nhỏ mà sức công phá lớn, một giây một phút bắn được nhiều phát hơn… Để làm gì? Để chỉ cần bắn một lần. Để kẻ thù không còn có cơ hội nghe được tiếng nổ. Muốn cho chắc chắn, bom trên trời dội xuống, pháo từ xa rót về, cày nát địa đạo và đốt cháy cỏ cây, giết chết đa số đối phương. Những người cầm súng, núp sau xe bọc thép tiến lên, chỉ có nhiệm vụ ban những phát đạn ân huệ, nòng cách lỗ tai địch không đầy hai tấc. Bắn một lần chưa trúng thì bắn lần nữa. Giết một người chưa được, thì giết lần nữa. Các bạn bè chất phác của Vi không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng rằng có một thứ luật quốc tế qui định cách đối xử với địch quân trong cuộc giao tranh khác hẳn sau khi giao tranh.

Cho nên họ mường tượng cảm thấy: hình như người ta đang giăng một cái bẫy, trắc nghiệm trình độ giác ngộ chính trị của họ, khai quật những nguồn phẩn nộ, phản loạn giấu kín đáo trong đám hơn 1.200 người áo nâu.

Suốt ba trại. mọi người đều im lặng. Không có lấy một câu hỏi, không có ai dám đặt thẳng sự nghi ngờ. Điều đó xác nhận sự khám phá cay đắng của Vi trong năm đầu chuyên biệt phẩu khoa : con người yếu đuối làm sao, và tội nghiệp làm sao, càng yếu đuối nó càng muốn theo mây bay, mơ chí lớn không về bàn tay không. Liệu cái thân thể mong manh này chịu đựng nổi cảnh huống của trò đời như lớp lớp ông bà tổ tiên đã bậm môi chịu đựng?

   Số lần đọc: 15491

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây