12 – 10 – 1964
Mấy tháng nay công việc điều hòa, không có gì trở ngại. Kế hoạch tỉ mỉ đã do ban kế hoạch và tham mưu trên trung đoàn bộ nghiên cứu. Đại đội C8 và 130 phụ trách an ninh. Ban quân nhu gồm đại đội 139, 212, 332 lo thu mua lúa gạo, tiếp tế lương thực, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho các đơn vị, phân phát phiếu gạo và phiếu quân trang. Đại đội 212 của mình chỉ lo nhận tiền của ban tài vụ phân phát cho các tổ đi mua, rồi lo chuyển vận số thực phẩm vật dụng mua được nộp cho đoàn 84.
Ở 212, tôi phụ trách Hương tín, C8 cho biết an ninh bảo đảm. Cán bộ và các đại diện các đại đội chiến đấu cử tới họp “hội đồng thu mau” vào sáng nay để định giá gạo.
Đại diện đại đội 335 than phiền:
– Tháng trước chúng tôi lãnh 30 bao, nhưng khi đem về, số ẩm mục chiếm tới 1/3. Anh em than phiền đã chiến đấu kham khổ, còn phải nuốt một loại cơm mốc và nhão.
Đại diện 135 thì bảo:
– Phiếu gạo của đại đội là 500 kg kỳ 1-10 vừa rồi. Vậy mà quản lý xuất kho chỉ chịu cân có 300 kg, lấy có 212 thu mua không đủ số lượng đã ấn định. Chúng tôi lưu ý hội đồng về sự thiếu sót này.
Nhưng gay go nhất là lúc định giá. Cán bộ địa phương mời một cụ già lạ mặt trình bày tình hình mua bán từng quận, cụ bảo:
– Lâu nay dân ở đây chỉ sống hoàn toàn nhờ mấy hột lúa. Trừ lúa giống, lúa để ăn giáp hột, lúa trả công cày, công cấy, dư bao nhiêu họ để dành đó. Nhà sắp có giỗ, họ làm vài vuông đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa. May quần áo cũng lúa, mua đồ ăn cũng lúa. Đó là hạng tương đối dư dả, số này có ít. Số còn lại mang công mang nợ từ năm trước, chờ mùa đến lấy lúa trả, để nợ cứ dây dưa như thế hoài. Tết không có tiền mua thịt cúng rước ông bà, họ cứ xách đại vài phân, mùa tháng ba lấy lúa trả. Đến mùa tháng ba hết tiền trả công cấy, họ hẹn mùa tháng tám. Cho nên số lúa mùa họ dồn hết vào kho mấy nhà giàu cho vay. Bây giờ mặt trận qui định mọi nóc gia nhín lại 10 kg, 20 ký thì nhiều gia đình thiệt tình không có gạo mà nhìn.
Chúng tôi giải đáp:
– Đoàn thu mau của chúng tôi có cả các cán bộ địa phương, nên biết được khả năng của từng nhà. Hơn nữa số gạo tiêu chuẩn cho mỗi gia đình cũng không bao nhiêu, nên chúng tôi nghĩ không có gì thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân.
Cụ già trả lời:
– Làm sao cán bộ địa phương hiểu rõ số lúa mang công mắc nợ của từng nhà được. Đã đành mỗi nhà có bao nhiêu công cấy, gặt bao nhiêu vuông, thì cán bộ biết, nhưng số nợ họ phải trả thì chắc khó biết. Cho nên tôi đề nghị quý ông nghĩ đến việc dài hạn, cho dân vay tiền trả xong nợ nần, và đến mùa họ sẽ trả lại bằng lúa cho mặt trận như hội đồng nhân công đã làm.
Tôi nêu ra thủ tục sổ sách:
Nếu vậy ngược lại, chính chúng tôi lại gặp nhiều trở ngại. Sau khi mua gạo xong, các cán bộ đã nhận tiền của ban tài vụ phải trở về đoàn để làm sổ sách kế toán chứng minh, rồi lại nhận một số tiền khác đi mua. Thành thử không có việc xuất ngân mà không có gạo nhập kho. Nhưng, chúng tôi sẽ ghi điều này vào biên bản và chuyển lên ban kế hoạch nghiên cứu cho các chương trình tiếp trợ dài hạn sau này.
– Lúc định giá lại có sự sai biệt khá xa giữa giá ấn định và thị trường. Cán bộ địa phương cho biết vì tình hình an ninh ở hai quận kia, một số đất đai bị bỏ hoang. Quận lỵ và tỉnh lỵ đã dùng gạo Mỹ nhập cảnh. Do đó gạo lên giá vì thơm ngon dẻo hơn gạo Mỹ. Mặt trận lại chỉ thu mua với giá cũ.
Đại diện đoàn 84 phải dài dòng giải thích về sự gian khổ của cách mạng và sự đóng góp của toàn dân.
Lúc giải tán tôi có hỏi hai cán bộ địa phương về cụ già lạ mặt. Họ trả lời đây là một phụ lão nhiệt thành với cách mạng, rất có uy tín với đồng bào Hương tín. Tôi hỏi: Ai mời? Họ trả lời: Chúng tôi mời, vì như vậy sẽ tăng uy tín của mặt trận. Tôi trách họ không hội ý với tôi trước khi mời cụ già. Họ im lặng, bỏ đi.
26 – 10 -1964
Trong số giấy tờ kế toán đoàn 84 gửi xuống có tờ thông cáo về đơn xin thăm gia đình của Song và Thường, kèm hai bản báo cáo của chi bộ xã Vĩnh An, Xương Phú.
Bản báo cáo từ Vĩnh An ghi:
“Gia đình Trần Văn Song gồm một người vợ tên Lê thị Miễn và hai đứa con. Người mẹ đã chết năm 1960. Lê thị Miễn không còn ở tại Vĩnh An nữa vì đã theo người chồng sau là Lưu Tất, trung đội trưởng nghĩa quân phòng thủ chi khu lên ở quận lỵ. Trong hai đứa con, đứa trai đầu con của Trần văn Song hiện học sửa xe gắn máy trên quận. Đứa sau con gái là con của Lưu Tất”.
Bản báo cáo từ Xương Phú ghi:
“Gia đình của Lê Thường hiện vẫn ở tại Xương Phú. Cha mẹ đương sự vẫn làm nghề nông, về phương diện chính trị không có gì đáng nói. Nhưng hai em trai của Lê Thường là Lê Di và Lê Bé đều là lính nhảy dù. Lâu lâu hai người này có gửi tiền và thư về xã”.
Tôi trả lại hai tờ đơn với lời phê: không đồng ý của Trung đoàn bộ cho Song và Thường. Cả hai đều hỏi lý do. Tôi cho xem báo cáo địa phương. Họ xem xong, im lặng hồi lâu rồi bỏ đi.
