Ở đây buổi xế đột ngột về lúc 5 giờ rưỡi. Trại ở sát chân núi, nên ánh nắng vừa chói chang đó, một lúc sau, bóng tối đã men tìm đến. Trung úy Tịnh rời văn phòng Thiếu tá trưởng trại trở về căn nhà ván dành riêng cho các sĩ quan trực. Thiếu tá đã đọc kỹ bản báo cáo. Ông nói. “Rõ ràng lắm rồi. Cảm ơn anh”. Tịnh định nói thêm về trường hợp Nguyễn văn Điền, nhưng ngập ngừng ậm ừ một lúc lại thôi. Thiếu tá chăm chú làm việc, ngước lên vẫn thấy Trung úy an ninh ngồi chỗ cũ, ngạc nhiên hỏi:
– Trung úy có việc gì cần tôi nữa không?
Tịnh phải đứng vội dậy, nghiêm người chào viên chỉ huy trưởng, rồi bước nhanh khỏi văn phòng.
Một tù binh cụt tay đang cầm cái cuốc nhỏ vụng về xới gốc cây me tây lá bắt đầu xếp ngủ cao lối một thước. Bên cạnh là thùng nước tưới, Trung úy Tịnh đã khó nhọc lắm mới xin được mấy cây me này dưới sở Thủy Lâm và cho trồng một dãy trước mặt doanh trại chỉ huy. Lúc Trung úy đi qua, người tù binh liếc nhìn, khẽ chào, nên vô ý lưỡi cuốc bổ vào gốc cây. Trung úy hốt hoảng:
– Sao anh vô ý thế? Coi lại xem bị đứt gốc chưa?
Người tù binh giọng phân trần:
– Xin lỗi Trung úy, tôi làm việc bằng tay trái vẫn chưa quen, chỉ mới phạm sơ sài ngoài vỏ thôi.
Trung úy cuối xuống gốc, thấy đúng như lời người tù binh. Lưỡi cuốc cùn, tay của người tù binh lại yếu. nên vết đứt chưa phạm sâu vào trong. Tịnh lấy cây cuốc xới giùm người tù. Đất sét cứng lẫn lộn nhiều viên sỏi lớn, kêu rào rào sau mỗi nhát cuốc. Lúc xới xong Tịnh bảo:
– Anh tưới nước nhiều nhiều chút. Hôm qua trời nóng, đất khô cằn trở lại rồi.
Người tù binh đến bên thùng nước dùng tay trái xách nước đến bên hố cây, đặt thùng xuống đất, rồi nghiêng nhẹ cho nước chảy từ từ. Trong một lúc vụng về, nước tạt mạnh tràn ra ngoài lề đường. Trung úy định cáu, nhưng thấy bàn tay người tù run run chịu đựng sức nặng thùng nước, nên lại thôi.
Tịnh vẫn ngồi dưới gốc cây, ngước nhìn lên mặt người tù Tịnh thấy quen quen. Hình như mình đã gặp người này nhiều lần rồi. Trung úy nghĩ vậy, ngơ ngẩn suy nghĩ trong khi người tù vẫn khom mình tiếp tục tưới nước. Khi nhìn thấy con số trên ngực áo nâu, Tịnh hoàn toàn nhớ lại, Tịnh hỏi:
– Số của anh đúng là 59.5326 chứ?
– Vâng, số 59.5326.
– Anh tên Nguyễn văn Điền?
– Vâng.
Tịnh nhìn kỹ nét mặt Điền. Khuôn mặt xương xẩu, da đen mắt nhỏ, đôi môi dày và cằm hơi lẹm. Tịnh thất vọng tìm thấy sự tương phản giữa tâm hồn và ngoại diện một con người. Tịnh nhìn kỹ hơn vào đôi mắt của người tù. Không có gì đặc biệt: hơi lờ đờ buồn hiu, gân máu làm cho tròng trắng ngã sang màu vàng đục, khiến thiếu hẳn vẻ tinh anh.
Trung úy hỏi:
– Anh thuộc loại nan y tàn phế, sao hôm qua không xin về?
Điền trả lời:
– Thôi, về ngoài đó làm gì. Bắc Nam một nhà. Tôi ở lại đây cũng như về khác gì đâu.
Tịnh thấy nét mặt Điền thản nhiên, giọng nói đều đặn, nhạt nhẽo. Điền đã tưới xong, và hình như đang chờ Tịnh ra đi để tiếp tục xới cây khác. Đột nhiên Tịnh nói:
– Tôi vừa đọc tập nhật ký của anh.
Điền có vẻ xúc động, quay lại nhìn thẳng vào Tịnh. Tia sáng xa lạ lóe lên ở trong cái nhìn ấy.
– Tôi tưởng đã thất lạc lúc bị phục kích. Ở nhà thương tôi lục tìm trong quần áo không thấy nó. Sau mới nhớ là đang mặc bộ đồ bệnh viện.
– Đọc xong, tôi chỉ còn nhớ đến mấy hình ảnh vụn anh ghi: vệt đèn pin quất qua quất lại giữa đêm, tiếng cười của trẻ thơ, chồi non đọng sương trên đồi, cái bàu bên con mương đôi, nét mặt chai lì héo hắt của người thân. Quê hương tôi cũng có hình ảnh đó.
– Tại tôi xa chúng nên thấy vẻ đẹp. Gần mười lăm năm rồi. Đôi lúc tôi sợ chết già vẫn không nhìn lại được cảnh cũ.
Tịnh đặt lại câu hỏi trước:
– Anh vẫn có thể về, nếu muốn. Những tù binh xâm nhập nhưng quê quán tại miền Nam có thể xin trở về quê quán thay vì trở lại Bắc.
Điền trầm ngậm, liếc nhìn Tịnh một lúc như dò xét rồi mới nói:
– Thôi ở lại đây cho xong. Mặc cho số phận!
Cả hai người đều im lặng, và đều cảm thấy bức rức khó chịu trong sự im lặng nặng nề. Tịnh nói lảng trước:
– Anh thấy mấy cây me này mau lớn không? Tàn của nó rậm lá và xanh tốt.
– Thường thường người ta không trồng me tây. Lá nó rụng làm dơ sân. Phải chăm quét luôn. Hơn nữa buổi chiều lá me xếp lại trông như cây héo. Thảm đạm lắm!
– Càng thích hợp với ánh chiều, có sao đâu!
– Nhưng ở quê tôi, chung quanh nhà đã đầy cả táo nhơn cũng thuộc loại cây lá ngủ. Chiều đã buồn, cây cối lại ủ rũ hết, chịu sao nổi. Dân miền tôi thường trồng cây bàng, hay cây vông. Nhất là cây vông, nhờ nhiều gai, trẻ con ít leo lên phá phách.
Điền dừng lại rồi ngập ngừng hỏi:
– Loại me tây này lâu lớn. Muốn có bóng mát ít ra phải mười năm. Thường thường muốn cho mau, người ta trồng trứng cá. Một mai hòa bình, vùng đất này hoang phế, còn ai ở đâu mà Trung úy trồng me?
Tịnh suy nghĩ, rồi nhìn Điền. Vẻ bơ phờ, lạnh lẽo không còn nữa trên gương mặt đã bắt đầu chìm trong bóng tối, Tịnh chậm rãi trả lời:
– Biết đâu đấy: Lúc ấy cái trại này không còn, vùng đất này cỏ mọc. Cả khu gia binh ngoài kia cũng phân tán đi xa. Nhưng dưới gốc cây này biết đâu không còn có một người thợ rừng nằm ngủ.
Nguyễn Mộng Giác
(1) B tức là chiến trường miền Nam.
(2) Cán bộ mùa thu : các cán bộ tập kết ra Bắc, rồi hồi kết hoạt động ở miền Nam.
